“Theo một nghiên cứu, trẻ 5 tuổi xuất thân giàu có, năng lực kém sau này có thể kiếm nhiều tiền hơn bạn bè cùng tuổi, sớm bộc tư duy tốt nhưng gia đình tiềm lực tài chính yếu. Khả năng này lên tới 35%", Bộ trưởng Giáo dục Anh cho biết trong một cuộc họp báo tuần trước.
Dù cùng trình độ và kinh nghiệm làm việc, con nhà giàu vẫn kiếm được nhiều tiền hơn những người xuất thân từ các gia đình khó khăn. "Nếu con nhà nghèo làm các công việc được trả lương cao trong xã hội, thu nhập của họ vẫn thấp hơn khoảng 2.200 bảng một năm so với những người có bố mẹ làm quan chức hoặc gia đình giàu có", bà Greeening nói thêm.
Bà Greening là người đầu tiên trong gia đình vào Đại học. "Tôi từng không muốn tham gia vào chính trị. Cha tôi thường la ó khi thấy những chính trị gia trên các bản tin. Ông chán nản vì họ nói không đúng thực tế cuộc sống của người dân", bà chia sẻ.
Ông Peter Lampl - Nhà sáng lập Quỹ từ thiện xã hội Sutton Trust cũng đồng ý với nhận định của bà Greening. "Đây là sự lãng phí tài năng và ảnh hưởng xấu đến nước Anh", vị này nhận xét.
Theo ông Peter Lampl, những người sinh ra trong gia đình khó khăn thường thiếu các kỹ năng cần thiết như sự tự tin, khả năng ứng xử... "Chính phủ cần có các biện pháp tốt hơn để trang bị cho thanh thiếu niên những kỹ năng này. Nhờ đó, họ có thể thành công hơn trong cuộc sống", ông nói.
Những thông điệp nêu trên được lãnh đạo Bộ Giáo dục Anh đưa ra sau nhiều tháng phản đối kế hoạch mở thêm trường chuyên (grammar school) của Chính phủ nước này. Nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại, những trường này sẽ làm tăng tình trạng bất bình đẳng. Con cái của các gia đình có điều kiện, được dạy kèm kỹ càng sẽ dễ dàng vượt qua các kỳ sát hạch đầu vào tại đây.
"Chúng tôi đang bàn về ý tưởng xây dựng một mô hình giáo dục mới có thể phục vụ học sinh tài tăng ở mọi tầng lớp", Bộ trưởng Justine Greening tiết lộ.
Anh Tú (theo Financial Times)