Khán giả thừa nhận, nếu không được thông báo trước rằng nam ca sĩ Hàn Quốc được tái hiện nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), họ sẽ tưởng anh đã hồi sinh thật.
Đại dịch Covid-19, ở một khía cạnh nào đó, là lời nhắc nhở chúng ta về sự vô thường của sự sống. Một ngày nào đó, tất cả chúng ta sẽ phải nói lời từ biệt với những người thân yêu. Họ chỉ tiếp tục "sống" cùng chúng ta trong kí ức hoặc thông qua sự hiện diện kỹ thuật số, ví dụ như ảnh chụp, video đã quay khi còn sống.
Nhưng các công nghệ hiện đại có thể làm được nhiều hơn thế. Những người đã khuất có thể tiếp tục hiện diện "y như thật" bên cạnh chúng ta giống như cách mà Im Youn Taek đã xuất hiện trên sân khấu và còn có thể chân thật hơn nữa.
Các chuyên gia công nghệ thế giới cho rằng, từ năm 2023 người ta sẽ được chứng kiến ngày càng nhiều hơn sự trở về của những người đã chết nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo và blockchain. Việc áp dụng những công nghệ này đã mở ra ý tưởng "con người có thể bất tử trong thế giới ảo".
Năm 2020, chuyên gia ảnh ba chiều Kaleida đã hợp tác với Kanye West để tạo ảnh 3D về người cha quá cố của Kim Kardashian nhân sinh nhật lần thứ 40 của cô. Nền tảng phả hệ MyHeritage đã tạo ra Deep Nostalgia, một công cụ deepfake giúp làm sinh động khuôn mặt của những người thân đã khuất trong ảnh gia đình. Stonses, một nền tảng tưởng niệm dựa trên blockchain, có thể lưu trữ các bản sao NFT kỹ thuật số của những tài sản quý giá của chúng ta, mang lại sự trường tồn cho những ký ức mà chúng ta liên kết với chúng.
Vào năm 2023, việc áp dụng ngày càng nhiều công nghệ Web3 sẽ đưa khái niệm này lên một tầm cao mới. Thực tế ảo nhập vai kết hợp với kích thích đa giác quan sẽ cho phép chúng ta tương tác với hình ảnh của những người thân yêu đã mất của mình theo một cách đầy cảm xúc. Chúng ta đã thấy công nghệ như vậy được sử dụng trong ngành giải trí. Công ty startup Positron đã tạo ra một loại ghế thực tế ảo (VR Voyager) kết hợp với công nghệ rung phản hồi (haptic) và máy phân phối mùi hương giúp khuếch đại trải nghiệm khi xem phim. Khi đó, khán giả sẽ không còn là kẻ ngoài cuộc mà được đắm mình trong không gian diễn ra phim chân thực "đến từng tế bào".
Công nghệ này khi áp dụng cho mục đích tưởng niệm, chúng ta không chỉ nhìn thấy hình ảnh của người đã khuất mà còn ngửi thấy mùi nước hoa đặc trưng của họ và cảm nhận được sự hiện diện của họ trên da của mình.
Chưa dừng lại ở đó, những người còn sống sẽ có thể nói chuyện với người đã khuất nhờ các công cụ như Dự án chatbot siêu thực tế, sử dụng AI để mô phỏng phong cách trò chuyện của bất kỳ người nào nếu được cung cấp thông tin mẫu. Thông qua việc học hỏi từ những gì còn sót lại trong dấu vết kỹ thuật số của họ (tin nhắn văn bản, bài đăng trên blog, các dòng trạng thái trên mạng xã hội, đoạn chat...) AI sẽ tái hiện lại cách trò chuyện của một người đã khuất, chân thật đến mức ngay cả người thân của họ cũng không nhận ra mình đang nói chuyện với "bot".
Khi những công nghệ này phát triển và trở nên dễ tiếp cận hơn, chúng sẽ ngày càng được sử dụng nhiều hơn, tạo ra "avatar AI" của một người nào đó, giúp họ tiếp tục "sống" sau khi tim đã ngừng đập. Chúng ta đang chứng kiến sự khởi đầu của điều này với sản phẩm Live Forever của công ty Somnium Space, cho phép người dùng tạo "bản sao kỹ thuật số" được xây dựng từ dữ liệu mà họ đã lưu trữ khi còn sống, bao gồm phong cách trò chuyện, dáng đi và thậm chí cả nét mặt.
Nhưng sự bất tử này cũng sản sinh ra những rắc rối về mặt đạo đức mà con người chưa thể giải quyết. Các avatar AI sẽ tái hiện một người dựa vào lượng dữ liệu cá nhân khổng lồ, được tích lũy trong suốt cuộc đời của họ và tạo ra "nhân cách sau khi chết". Nói cách khác, chúng ta có thể có tiếng nói, nhưng chúng ta không thể chắc chắn về những gì nó (AI) có thể nói.
Lam Giang (Theo Wired)