![]() |
Mona Lisa. |
Guy Vingerhoets và cộng sự, Đại học Ghent ở Bỉ, đã tiến hành các thí nghiệm và phát hiện ra rằng, cả hai bán cầu não đều tham gia vào quá trình xét đoán tình cảm của con người, ít nhất là qua tiếng nói. Nếu như bán cầu phải có vai trò quyết định trong việc đón nhận sắc thái tình cảm của thông điệp (buồn, vui, cáu giận, sợ sệt…), thì bán cầu trái lại đảm nhiệm toàn bộ việc giải mã ý nghĩa của nó.
Để kiểm nghiệm ý kiến này, Vingerhoets đã cho 36 người đeo thiết bị siêu âm doppler qua sọ - thiết bị cho phép đo tốc độ dòng chảy của máu tới động mạch não giữa ở bên trái và bên phải. Những người tình nguyện sau đó được nghe những câu nói đã ghi âm từ trước, chứa các sắc thái tình cảm khác nhau (như hạnh phúc, buồn rầu, giận dữ, sợ sệt, ), hoặc các câu nói vô cảm.
Vingerhoets phát hiện thấy, khi người tình nguyện được yêu cầu lắng nghe ý nghĩa của câu nói, máu chảy tới bán cầu não trái nhiều hơn. Còn khi được hỏi về sắc thái tình cảm trong các thông điệp đó, máu chảy tới cả hai bán cầu đều tăng. Trường hợp các câu nói được đọc với giọng vô cảm, máu chảy rất ít tới bán cầu não phải. Trong khi máu tới bán cầu não trái vẫn ổn định, ngay cả khi tình cảm được bộc lộ mạnh mẽ.
Thí nghiệm trên đã chứng tỏ rằng, khi chúng ta phân tích sắc thái tình cảm của một câu nói, cả hai bán cầu não luôn luôn cùng hoạt động. “Lúc chúng ta quan tâm tới nội dung của thông điệp (kể cả khi thông điệp đó chứa đầy cảm xúc), thì đó cũng là lúc bán cầu não trái của chúng ta đang làm việc cật lực”, Vingerhoets giải thích.
Phát hiện này không những ủng hộ các công trình khác, cho rằng bán cầu não trái có liên quan tới việc xử lý ngôn ngữ, mà còn đi xa hơn nữa. Nó cho thấy, ngay cả khi thông điệp bộc lộ tình cảm, thì bán cầu não phải cũng không làm việc đơn độc, mà phải nhờ đến bán cầu trái phiên dịch thông điệp đó.
Tuy nhiên, Liz Phelps, một nhà tâm lý học tại Đại học New York, lại cho rằng, “việc phân chia vai trò của bán cầu não trái hay phải là quan niệm đã lỗi thời. Chúng ta chỉ có một bộ não. Và tất cả các thành phần của nó đều cùng hoạt động”.
B.H. (theo ABC)