Tuần trước, Svandís Svavarsdóttir - Bộ trưởng Bộ Thực phẩm, Nông nghiệp và Thủy sản Iceland - tuyên bố tạm dừng hoạt động săn bắt cá voi sau khi một báo cáo từ Cơ quan Thực phẩm và Thú y phát hiện việc săn bắt không tuân theo Đạo luật Phúc lợi Động vật của nước này. Iceland là một trong số ít quốc gia vẫn tích cực săn bắt cá voi, cùng với Nhật Bản và Na Uy, bất chấp lệnh cấm quốc tế được Ủy ban Cá voi Quốc tế (IWC) đưa ra vào năm 1986, Newsweek hôm 24/6 đưa tin.
Săn cá voi là hoạt động được cho phép ở những cộng đồng thổ dân tại Đan Mạch (Quần đảo Faroe và Greenland), Nga (Siberia), Saint Vincent và Grenadines (Đảo Bequia), Mỹ (Alaska). Một số nơi tiến hành hoạt động này dưới vỏ bọc "săn cá voi khoa học".
Theo dữ liệu của IWC, trước khi có lệnh cấm, con người giết khoảng 6.000 - 7.000 cá voi mỗi năm. Năm 2021, 1.284 cá voi bị giết trên khắp thế giới, trong đó 881 con vì mục đích thương mại. Phần còn lại bị săn theo "giấy phép đặc biệt", bao gồm nghiên cứu khoa học, và bởi các cộng đồng thổ dân. Năm 2020, số lượng bị giết và giết thương mại lần lượt là 1.204 và 810.
Nhiều người coi những phương pháp mà thợ săn cá voi sử dụng là không nhân đạo. Ví dụ, thợ săn đôi khi phóng lao móc nổ vào cá voi. Theo một báo cáo năm 2006 về hoạt động săn cá voi của Na Uy, phương pháp này không phải lúc nào cũng lấy mạng cá voi ngay lập tức và thường xuyên cần phóng nhiều lần mới có thể hạ gục con vật. Ngoài ra, một số cá voi chết đuối do đầu của chúng ngập dưới nước trong quá trình kéo chúng lên tàu săn cá voi. Ở Taiji, Nhật Bản và Quần đảo Faroe, cá heo và cá voi nhỏ bị lùa vào bãi biển hoặc vịnh nhỏ, sau đó bị tàn sát.
Những năm 1800 và 1900, hàng triệu cá voi bị săn để lấy dầu, spermaceti (chất sáp trong đầu cá nhà táng), long diên hương, tấm sừng hàm (bộ lọc giống xương mà cá voi sử dụng để lọc thức ăn), và ước tính khoảng 3 triệu con cá voi bị giết chỉ trong thế kỷ 20. Chất sáp sẽ được sử dụng làm xà phòng và nến, dầu cá voi dùng làm dầu đốt còn tấm sừng hàm được dùng cho áo corset.
Giờ đây, thợ săn chủ yếu săn cá voi lấy thịt, dầu, mỡ, sụn. Chúng được sử dụng trong dược phẩm và thực phẩm chức năng, chủ yếu ở Nhật Bản, vì một số người cho rằng các sản phẩm từ cá voi có thể ngăn ngừa bệnh sa sút trí tuệ.
Nhật Bản, Na Uy và Iceland lấy mạng gần 40.000 cá voi lớn kể từ năm 1986, theo Tổ chức Bảo tồn Cá voi và Cá heo. Riêng Nhật Bản đã giết 300 - 600 con mỗi năm, phần lớn là cá voi Bryde, cá voi minke và cá voi sei. Ở Iceland, cá voi vây bị săn để xuất khẩu sang Nhật Bản, trong khi cá voi minke bị săn lấy thịt. Na Uy cũng chủ yếu săn cá voi mũi nhọn, với mục đích lấy thịt. Ngoài ra, thợ săn nước này còn nhắm đến cá voi vây và cá voi sei để xuất khẩu sang Nhật Bản.
Cá voi sei được xếp loại nguy cấp trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), trong khi cá voi vây thuộc nhóm động vật sắp nguy cấp.
Thu Thảo (Theo Newsweek)