Kỳ nam là loại trầm đặc biệt, hiện chỉ mới được ghi nhận hình thành trong tự nhiên, với những điều kiện tự nhiên đặc biệt. Trên thế giới, trầm tự nhiên được phân bổ khá hẹp ở một số quốc gia Đông Nam Á. Việt Nam là quốc gia duy nhất cho đến nay được phát hiện có sản phẩm Kỳ nam. Do sự độc đáo và cả những sùng tín tâm linh xung quanh sản phẩm này nên giá bán của Kỳ nam có thể lên đến nhiều tỷ đồng mỗi kilogram.
Cũng vì giá trị kinh tế cao, nhiều nhà nghiên cứu đã tính tới chuyện sử dụng kỹ thuật để sản xuất nhân tạo. Theo Giáo sư Đinh Xuân Bá, Giám đốc Trung tâm sinh học ứng dụng SECOIN, một chuyên gia nghiên cứu hàng đầu trong ngành trầm hương Việt Nam: "Gần đây, có thông tin nước ngoài đã có phương pháp tạo ra Kỳ nam. Tôi từng nghĩ, con người chắc không thể nào chế tạo ra được một thứ gỗ nhựa (resinous wood) có hương thơm khó tả, huyền bí và tao nhã như thế...".
Câu chuyện này được nhiều người trong giới trầm hương cũng như nông dân các vùng trồng Dó Bầu ở Việt Nam quan tâm. Theo GS Bá, nguồn cơn của chuyện có thể tạo ra được Kỳ nam hay không, bắt đầu từ việc người ta đã phát hiện trong rừng sâu một số cây gỗ quý mà nhựa của nó có hương thơm giống như Kỳ nam của Việt Nam. Họ đặt tên nó là cây Kynam mẹ (hoặc cây kynam mẹ, cây Qinan mẹ), tên tiếng Anh là Kynam Mother Tree.
Vào năm 2008 ở Trung Quốc, họ đã tìm được Kynam Mother Tree. Những người thợ săn trầm (ta thường gọi là "điệu" hay phu trầm) đã bứng những cây mẹ đó từ rừng sâu mang về trồng ở vườn nhà. Theo thời gian, họ phát triển ra nhiều loài cây với tên gọi là Qinan species, ví dụ các loài có tên Bullet head, Oily leave, Ruhu, Dented body.
Từ các Qinan species này, họ chiết ra rất nhiều các cây con và gọi tên là grafted kynam seedling (cây giống kinam chiết ghép). Những cây này cần 3 năm để nuôi lớn và 2 năm làm các tác động cơ học đơn giản lên cây (mà không cần cấy thuốc). Sau 5 năm, từ lõi của các cây này sẽ thu hoạch được nhiều sản phẩm có tên gọi là Cultivated Grafting Kynam (CGK - kynam nuôi ghép). Đến nay, việc sản xuất kynam nuôi ghép đã trở thành phổ biến ở Trung Quốc, sau đó phát triển ở Malaysia.
Trong tháng 4/2020, có 5 nhà khoa học (Yuan Chen, Tingting Yan, Yonggang Zhang, Qian Wang, Gaiyun Li) thuộc Viện Hàn Lâm lâm nghiệp Trung Quốc đã xuất bản một công trình nghiên cứu (đăng trong Fitoterapie Volume 142, April 2020, 104493) phân tích hình thái học, tính chất vật lý và thành phần hóa học của kynam nuôi ghép, rồi so sánh chất lượng với Kỳ nam truyền thống. Họ thấy rằng trong cây nuôi ghép cũng có nhiều hợp chất quan trọng. Nhưng nếu so sánh về hàm lượng của các hợp chất chủ đạo thì cây nuôi ghép không thể dễ dàng thay thế Kỳ nam truyền thống.
Theo GS Bá: "Kỳ nam là đặc sản, là bảo vật của Việt Nam. Nó không chỉ cho mùi hương khó tả, huyền bí và thanh lịch mà còn có khả năng trị liệu (therapeutic)". Hiện ông đang lưu giữ khoảng 20 bài thuốc đông y dùng trầm - kỳ chữa bệnh. Ông từng mời nhiều bạn bè thưởng thức mùi hương đặc thù của một chuỗi hạt Kỳ nam.
Thực tế GS Bá từng cho phân tích để biết cấu trúc hóa học của Nhang Kỳ nam và Rượu Kỳ nam. Qua đó ông không tin là có phương pháp nhân tạo để tạo ra Kỳ nam, "vì Kỳ nam của ta kỳ diệu lắm", ông nói. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu toàn văn công trình của Viện Hàn lâm lâm nghiệp Trung Quốc và trao đổi thêm với người làm kynam nuôi ghép Malaysia, GS Bá tin tưởng vào việc ra đời của một kỹ thuật mới, kỹ thuật tạo ra kynam nuôi ghép quy mô công nghiệp và cho giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên nó không thể thay thế cho Kỳ nam truyền thống của Việt Nam" vì kynam nuôi ghép khác về hình thái học, tính chất vật lý và cấu trúc hóa học.
Từ câu chuyện này, GS Đinh Xuân Bá lý giải nhận định của giới chuyên môn rằng, nên bỏ lối cổ điển trồng cây Dó Trầm truyền thống, thay vào đó là trồng các Qinan species rồi sản xuất ky nam nuôi ghép ở quy mô công nghiệp, từ đó xuất hiện khái niệm Công nghiệp Trầm hương (Agarwood Industry). Thực tế tại Malaysia đã lập ra Kynam Planting Research Committee có rất nhiều thành viên. Ông cũng mong muốn sớm nghiên cứu và phát triển kỹ thuật tạo kynam nuôi ghép ở Việt Nam mang lại cho người làm nông, nhất là những người làm Trầm hiệu quả kinh tế cao, thậm chí có thể tạo ra bước ngoặt phát triển mới cho ngành trầm hương Việt Nam thời gian tới.
Lam Giang