Va chạm với tiểu hành tinh có thể gây ra nhiều thiệt hại với Trái Đất, John Holdren, giám đốc Cơ quan Khoa học và Chính sách Công nghệ Mỹ, cố vấn khoa học cấp cao của Tổng thống Barack Obama, cảnh báo trong cuộc thảo luận về Sứ mệnh đổi hướng tiểu hành tinh (ARM) hôm 14/9 tại Trung tâm Bay Vũ trụ Goddard của NASA ở Maryland, Space đưa tin.
Holdren cho rằng vẫn còn nhiều việc cần thực hiện để giảm thiểu nguy cơ dù các nhà khoa học đạt nhiều bước tiến lớn nhằm phát hiện vật thể bay gần Trái Đất có khả năng gây nguy hiểm. "Chúng ta chưa chuẩn bị đầy đủ, nhưng chúng ta đang trên lộ trình hoàn thành nhiều hơn", Holdren nói.
Theo Holdren, sứ mệnh ARM của NASA đã được phê duyệt và có thể cung cấp nền tảng để thử nghiệm những phương pháp chủ chốt để đổi hướng tiểu hành tinh.
Hai sự kiện va chạm với tiểu hành tinh có sức tàn phá lớn gần nhất từng khiến thế giới kinh ngạc, gồm vụ va chạm ở Chelyabinsk năm 2013 và cầu lửa Tunguska năm 1908 trên lãnh thổ Nga. Những sự kiện kiểu này rất hiếm gặp, chỉ xảy ra sau hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn năm.
"Nếu có trình độ văn minh cao, chúng ta cần chuẩn bị cho những sự kiện hiếm hoi đó, bởi chúng có thể gây thiệt hại lớn cho Trái Đất. Đây là mối nguy gây nên cái chết của loài khủng long cách đây 65 triệu năm. Chúng ta cần phải thông minh hơn những con khủng long", Holdren nhấn mạnh.
Xem thêm: Sức mạnh hủy diệt của tiểu hành tinh khi va vào Trái Đất
Phương Hoa