![]() |
Hoàng tử Vĩnh Giu dẫu cao tuổi vẫn thường đọc báo. |
Ngày 22/3/1922, 6 năm sau khi vua Thành Thái và hoàng tộc bị lưu đày sang đảo Réunion, thuộc địa của Pháp, nằm ngoài khơi Ấn Độ Dương, hoàng tử Vĩnh Giu đã chào đời. Cả hoàng gia sống quần tụ trên con đường Saint Denis mà đến năm 1992, chính quyền Pháp đặt tên là đại lộ Hoàng tử Vĩnh San - Duy Tân. Có một chuyện xảy ra vào năm 1942 mà những người trong hoàng gia bị lưu đày đều khó có thể quên: chính quyền đảo tổ chức đua ngựa. Tất cả có 8 nài, nhưng dòng tộc vua An Nam có đến 3 nài là Vĩnh Chương, Vĩnh Khôi và Duy Tân, còn lại là người Pháp. Sau lệnh xuất kích, cả ba nài Việt Nam đều dẫn đầu và giành hết giải thưởng.
Ông Giu nhớ lại: "Khi đó, tôi 20 tuổi. Ngồi cạnh thị trưởng Saint Dennis, tôi nghe rõ mồn một câu vua cha Thành Thái nói với ông ta: Việt Nam đã thắng Pháp rồi". Đã vậy, anh Duy Tân từ mình ngựa nhảy xuống còn nói thêm với cha Thành Thái, nhưng cố tình cho thị trưởng nghe: Không phải riêng gì gia đình ta mà cả dân tộc Việt Nam đang thắng Pháp". Thị trưởng nghe và giận tím người. Duy Tân sau đó xin gia nhập quân đội sang châu Âu đánh phát xít. Ông đã tìm gặp tướng De Gaulle để trình bày quan điểm nước Pháp nên trả lại độc lập cho Việt Nam. Ngày 25/12/1945, ông bị tử nạn máy bay.
Năm 1947, chính quyền Pháp cho vua cha Thành Thái cùng hoàng tộc trở về Việt Nam. Vua Thành Thái vẫn bị giam lỏng ở Sài Gòn, Vũng Tàu, không được phép ra Huế. Còn cánh hoàng tử mỗi người phân tán một nơi. Riêng Vĩnh Giu sau thời gian bị Pháp quản thúc ở Vũng Tàu, năm 1949, ông được đưa về Cần Thơ làm trong ngành công chính, đi xây dựng cầu đường.
Những ngày đầu sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, không có việc làm, ông Giu phải sống nhờ người em bên vợ. Ngày ngày, ông bơi xuồng qua sông Cần Thơ, len lỏi khắp địa bàn Hưng Phú, tìm mua những chiếc xe đạp cũ về sửa chữa lại, bán kiếm tiền nuôi vợ và bầy con. Ông kể: "Biết tôi vất vả, có người cùng hoàng tộc gửi thư về xin bảo lãnh cả gia đình sang Mỹ, nhưng tôi dứt khoát không đi. Trước đó, Chính phủ Pháp cũng có văn bản gửi sang cho phép chúng tôi trở về đảo Réunion bất cứ lúc nào, nhưng tôi cũng đã từ chối!". Ông giải thích lý do từ chối: "Đơn giản, tôi là người Việt Nam".
Hoàng tử Vĩnh Giu có 7 người con, 6 trai, 1 gái. Con trai trưởng là Nguyễn Phước Bảo Bồi. Người được học nhiều nhất là con gái thứ hai Công Tôn Nữ Thanh Các. Trước năm 1975, chị đang là sinh viên Văn khoa, nhưng rồi chuyện học dở dang và giờ đi làm phụ bếp. Người con thứ ba, anh Nguyễn Phước Bảo Thọ, mưu sinh bằng nghề xe ôm. Anh kế của Thọ là Nguyễn Phước Bảo Cao cũng chạy xe ôm tận quê vợ ở Đà Lạt. Kế đến anh Nguyễn Phước Bảo Lộc giờ làm bảo vệ cho xí nghiệp nhựa tư nhân tại Cần Thơ. Nguyễn Phước Bảo Hoàng đang thất nghiệp. Con trai út là Nguyễn Phước Bảo Tài, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về, lập gia đình, nhưng vì anh túng thiếu quá nên vợ đã bỏ. Giờ đây anh đi làm phụ hồ. Cả gia đình cùng nghèo khó nên ông Giu chỉ thu xếp về Huế giỗ vua cha, vua anh được 3 lần.
Ông Giu cho hay, liên tục 3 tháng qua, ông bị chứng mất ngủ và ho nhiều. Cuộc sống của ông giờ trông cậy vào khoản tiền 200.000 đồng/tháng của một người giấu tên ở TP HCM và đặc biệt là sự cưu mang của những người đồng hương Huế xa xứ. "Chắc chẳng bao lâu nữa, tôi cũng phải đi theo cha và anh tôi", ông nói. Nhìn lên hàng chục tấm ảnh vua cha Thành Thái, vua anh Duy Tân treo trên bức tường cũ, ông rơm rớm nước mắt. Có lẽ ngoài những tấm hình này, di vật giá trị nhất còn lại của gia đình ông là chiếc đôn gỗ đen bóng, được bọc giấy cẩn thận để cạnh đầu giường. Vĩnh Giu cho biết: "Tôi mang nó từ đảo Réunion về. Nó đã có trên 200 tuổi. Mấy lần cần tiền lo cho đứa cháu đi học, tôi gạ bán, nhưng chẳng ai mua".
(Theo Công An Nhân Dân)