Nghiên cứu được công bố ngày 6/11 bởi Trung tâm Khoa học và Y tế, Đại học Oklahoma sử dụng thuật ngữ "singletons" để chỉ trẻ em là con một mắc bệnh béo phì. Theo đó, trẻ thuộc nhóm "singletons" có thói quen ăn uống kém lành mạnh hơn trẻ có anh chị em.

Lối sống hiện đại dễ khiến trẻ con thừa cân béo phì. Ảnh: Shutterstock.
Nghiên cứu tập trung khai thác các dữ liệu từ chính sách một con ở Trung Quốc, từ năm 1980 đến năm 2016. Cuộc khảo sát với gần 20.000 trẻ em thành thị nước này cho thấy trẻ là con một có nguy cơ mắc bệnh béo phì cao hơn 7 lần so với trẻ có anh chị em ruột. Các bà mẹ một con cũng dễ mắc chứng thừa cân hơn.
Các nhà khoa học đã chia 68 em nhỏ thành hai nhóm. Nhóm một gồm 27 trẻ là con một, nhóm 2 gồm 41 trẻ có chị em. Kết quả cho thấy, 37% trẻ ở nhóm 1 có biểu hiện béo phì, trong khi nhóm 2 chỉ có 5%. Chỉ số khối cơ thể (BMI) của nhóm một cũng cao hơn nhiều so với nhóm 2.
Bệnh béo phì ở trẻ chủ yếu bắt nguồn từ thái độ của cha mẹ trong bữa ăn và chế độ ăn uống hàng ngày.
Các nhà khoa học cho rằng gia đình hai con trở lên thường có xu hướng ăn bữa chính tại nhà, ít sử dụng thức ăn nhanh hoặc thực phẩm chế biến sẵn. Trong khi đó, trẻ là con một được bố mẹ chiều theo sở thích ăn uống cá nhân kém lành mạnh và dành nhiều thời gian sử dụng điện thoại hơn là hoạt động ngoài trời.
Hơn 1,9 tỷ người trên thế giới có dấu hiệu thừa cân, 340.000 triệu người trong số đó thuộc độ tuổi từ 5 đến 19. Có 70% trẻ em béo phì tiếp tục bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này khi đã lớn lên.
Thục Linh (Theo CNN, Daily Mail)