Bức ảnh được các phi hành gia chụp vào năm 2013 hé lộ một miệng hố va chạm hình con mắt khổng lồ trên sa mạc Sahara, bao quanh là những cồn cát xê dịch có thể di chuyển hơn 30 m mỗi năm, theo Live Science. Cấu trúc Aorounga là một miệng hố va chạm rộng 12,6 km nằm ở đông nam Sahara, phía bắc Chad. Miệng hố bao gồm hai vòng tròn khiến nó có hình dáng giống con mắt. Vòng tròn bên trong với vùng đồi ở giữa nhìn như nhãn cầu, còn vòng tròn bên ngoài rất giống mí mắt. Các vòng tròn nhô lên cao 100 m so với nền đất xung quanh nhưng bị xói mòn mạnh sau thời gian dài, tương tự nhiều miệng hố va chạm cổ đại khác. Nhiều khả năng ban đầu nó cao và rộng hơn.
Những chuyên gia cho rằng cấu trúc hình thành khoảng 345 triệu năm trước và tạo bởi một thiên thạch đường kính 600 m, theo ước tính từ Viện Mặt Trăng và hành tinh. Vật va chạm lớn cỡ này được gọi là "thiên thạch hủy diệt thành phố", có thể gây thiệt hại trên diện rộng khắp phía bắc châu Phi, thậm chí thúc đẩy tác động tới khí hậu toàn cầu.
Cấu trúc cũng có vài đường thẳng sẫm màu vắt ngang qua hai vòng tròn. Đó là một phần của những rãnh gió lớn gọi là yardang, theo Cục khảo sát địa chất Mỹ. Rãnh gió như vậy có thể đạt độ cao 30 m so với mặt đất, trải dài hàng chục kilomet khắp khu vực xung quanh. Một cụm 5 cồn cát hình lưỡi liềm có thể thấy rõ trong ảnh. Theo thời gian, chúng bị gió đẩy ngang qua sa mạc và di chuyển theo hướng trái ngược, theo Đài quan sát Trái Đất của NASA.
Thông qua so sánh vị trí của chúng trong bức ảnh này với ảnh vệ tinh của cùng khu vực vào cuối năm 2003, các nhà nghiên cứu có thể tính toán chính xác chúng đã di chuyển bao xa chỉ trong hơn 9 năm. Từ trái sang phải, 5 cồn cát số 1, 2, 3, 4, 5 đã di chuyển 316 m, 275 m, 405 m, 318 m và 381 m. Cồn cát di chuyển nhiều nhất là số 3 và 5 cũng là những cồn cát nhỏ nhất. Các cồn cát nhỏ hơn chúng có thể bị xóa sổ trong vòng một thập kỷ.
Từ lâu giới nghiên cứu đã biết cồn cát hình lưỡi liềm xê dịch qua sa mạc Sahara. Tuy nhiên, những nhà khoa học chỉ mới bắt đầu tính ra quãng đường chúng dịch chuyển thông qua theo dõi chuyển động của chúng bằng ảnh vệ tinh. Họ hy vọng có thể sử dụng thành tựu mới để dự đoán chuyển động của cát, giúp giảm thiểu vấn đề cồn cát cản trở đường sá và bao phủ đất đai nông nghiệp.
An Khang (Theo Live Science)