Phát hiện về con mắt hé lộ lịch sử của những bộ phận giả bao gồm mắt, chân và tay. Cách chế tác con mắt cũng cũng phản ánh quan niệm sơ khai về ánh sáng, thị lực và mục đích sử dụng bộ phận giả ở thời cổ đại. Mắt giả đã tồn tại hàng nghìn năm. Không chỉ cải thiện diện mạo của bệnh nhân, mắt giả còn ngăn mô trong hốc mắt khỏi phát triển quá mức và ngăn dị vật rơi vào mắt khi không có băng gạc.
Shahr-e Sukhteh là di chỉ khu đô thị thời Đồ Đồng, ngày nay nằm ở đông nam Iran. Khu vực này từng trải qua nhiều đám cháy từ khoảng năm 3.200. Do niên đại của đồ tạo tác phát hiện tại khu vực, các nhà khảo cổ học cho rằng thành phố bị bỏ hoang vào năm 2350 trước Công nguyên.
Nhiều cuộc khai quật được tiến hành ở ở thành phố từ năm 1997. Con mắt giả được lấy từ hài cốt một người phụ nữ cao ước tính 1,8 m. Bằng chứng từ hốc mắt xác nhận người phụ nữ đã đeo nó suốt trước khi qua đời thay vì đặt vào mộ sau khi chết. Họ ước tính người phụ nữ khoảng 25 - 30 tuổi khi chết.
Các nhà khảo cổ học phát hiện con mắt giả cho biết, nó được sản xuất từ hỗn hợp hắc ín tự nhiên và mỡ động vật, nhiều khả năng để giữ cho nó ẩm và bền trong lúc sử dụng cách đây 4.800 năm. Nhóm nghiên cứu rất bất ngờ trước tay nghề của người chế tác. Con mắt có mao dẫn vẽ bằng sợi vàng dày chưa tới một milimet. Đồng tử hình tròn được khắc phía trước với những đường song song ở xung quanh, tạo thành mống mắt. Hai lỗ xỏ dây ở hai bên con mắt nhân tạo hé lộ cách giữ cố định con mắt. Dây vàng mềm ngăn con mắt khỏi rơi ra ngoài, đồng thời giúp mắt dịch chuyển nhẹ bên trong hốc. Những chi tiết này cho thấy người tạo ra nó rất am hiểu về giải phẫu mắt.
Nghiên cứu về con mắt chỉ ra người phụ nữ đeo con mắt lúc sinh thời do mô mí mắt còn dính ở con mắt. Các nhà khoa học cũng tìm thấy bằng chứng về mô quanh hộp sọ. Người phụ nữ bị một khối áp xe trên mí mắt do cọ vào mắt giả khi chớp.
Nhóm khảo cổ còn tìm thấy nhiều vại đất sét, hạt trang trí và những món đồ trang sức trong ngôi mộ của người phụ nữ cổ đại. Đặc biệt, một chiếc balo da và gương đồng đều ở trong tình trạng hoàn hảo. Phát hiện khiến các nhà nghiên cứu tin rằng người phụ nữ có địa vị xã hội cao và có thể là thành viên hoàng tộc. Chỉ có cá nhân với địa vị quan trọng như vậy mới có trang sức, đồ gốm, da và đồng.
An Khang (Theo Ancient Origins)