Còn mãi với mùa thu là nhạc phẩm được Quỳnh Hợp sáng tác vào ngày 6/10, hai ngày sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời.
"Dù biết ông ra đi là theo lẽ thường của quy luật sinh - lão - bệnh - tử, tâm trạng tôi vẫn thật khó tả. Là người lính nên tôi có nhiều cảm nhận rất gần gũi và ân tình với Đại tướng", nữ nhạc sĩ chia sẻ cảm xúc trước tin buồn.
Khi lang thang trên mạng để tìm đọc tin tức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Quỳnh Hợp tình cờ đọc được bài thơ mang tên Vị tướng già. "Khi đọc, niềm xúc động dâng trào trong tôi. Phải nói là tác giả dường như nói thay tình cảm của bao người dành cho Đại tướng. Bài thơ ngắn gọn nhưng rất giàu hình ảnh, nhạc điệu. Từng dòng như những thước phim nén chặt cuộc đời của người anh hùng từ thời áo lính đến tuổi già. Phảng phất trong đó là chất hoài niệm và tình yêu của mọi người dành cho ông", Quỳnh Hợp bày tỏ.
Bài thơ được sáng tác vào mùa thu năm 1994, sau một lần tác giả Anh Ngọc được cùng nhà văn Lê Lựu, nhà thơ Trần Đăng Khoa đến diện kiến và lắng nghe những câu chuyện của Đại tướng tại tư gia của ông. Khi hay tin Đại tướng qua đời, nhà thơ Anh Ngọc một lần nữa đăng lại bài thơ trên trang cá nhân của ông như một lời chia buồn nghẹn ngào trước mất mát to lớn.
Quá tâm đắc với từng dòng thơ, Quỳnh Hợp ngay lập tức phổ nhạc (xem bản nhạc). Ca sĩ Hoàng Hải Đăng thể hiện nhạc phẩm. Giọng hát nhẹ nhàng và cao vút của anh như vẽ trước mắt người nghe hình ảnh vị tướng già trải qua bao phen binh lửa, chiến trường vẫn giữ trong mình chất nhân văn cao đẹp. Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn cũng "góp giọng" vào bản phối khí bài hát với phần solo nghe nghẹn ngào, nức nở trước sự ra đi mãi mãi của Đại tướng.
Với nhạc sĩ Quỳnh Hợp, ca khúc Còn mãi với mùa thu vừa là món quà tri ân Tướng Giáp mà chị gửi gắm đến mọi người vừa là một dấu ấn cảm xúc mà chị muốn giữ cho riêng mình mỗi khi nhớ về ông. Một lần duy nhất trong đời, Quỳnh Hợp có cơ hội gặp gỡ trực tiếp Tướng Giáp. Đó là vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Nữ nhạc sĩ tham gia chuyến "Hành trình về Điện Biên" cùng đoàn nhà báo TP HCM. Chuyến đi kéo dài gần một tháng từ TP HCM đến Điện Biên. Đoàn sau đó có mặt tại Hà Nội và vào thăm tư gia của Đại tướng ở số 30 Hoàng Diệu.
Quỳnh Hợp nhớ hoài lần đó, Đại tướng còn khỏe khoắn và minh mẫn. Chị đã rất vui khi kịp len qua đám đông để tặng ông album Lửa hội Điện Biên (chùm ca khúc kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ của mình, phổ thơ của hai nhà thơ quân đội là Lê Nguyên và Đoàn Hoài Trung). "Cầm album nhạc trên tay, Đại tướng nhìn rất chăm chú và tỏ vẻ rất vui. Lúc đó do đoàn rất đông, thú thật, tôi chỉ kịp trao cho ông món quà nhỏ của mình và kịp được chụp cùng ông bức ảnh. Kỷ niệm chỉ có vậy thôi nhưng tôi nhớ hoài hình ảnh lần được gặp ông!", Quỳnh Hợp nói.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là nguồn cảm hứng của nhiều ca khúc khác như: Đại tướng của chúng ta của nhạc sĩ Nguyên Lân Hùng, Noi gương anh cả toàn quân của nhạc sĩ Đào Sơn... hay Tướng quân Võ Nguyên Giáp của nhạc sĩ Bùi Hoàng Yến.
Hầu hết tác phẩm ra đời dựa trên sự quý trọng, lòng cảm phục tài năng, đức độ của Người anh cả Quân đội Nhân nhân Việt Nam. Bùi Hoàng Yến cho biết, ông viết bài hát vào khoảng năm 2008 sau khi đoạt giải cuộc thi Sử ca Việt Nam. Ông đặt tên ca khúc là Tướng quân Võ Nguyên Giáp, không phải Đại tướng như cách mọi người thường gọi vì ông cảm thấy Tướng Giáp sánh ngang với những vị tướng trong lịch sử dân tộc như Trần Hưng Đạo. Bài hát được phối khí trong đúng một tháng và được nhạc sĩ Lương Minh Trí hỗ trợ thu âm, gửi tặng đến Đại tướng vào đúng dịp sinh nhật 100 tuổi của ông.
Vĩnh Tế - Lương Trần