Con yêu của mẹ!
Chắc chắn con sẽ rất ngạc nhiên khi biết mẹ viết những dòng này khi con còn chưa kịp tượng hình trong bụng mẹ. Mẹ chẳng biết con sẽ là trai hay gái, thậm chí mẹ cũng không biết, mẹ có may mắn nhận được thiên chức đó hay không? Nhưng dù sao đi nữa, mẹ vẫn muốn viết để kể với con một câu chuyện. Vì mẹ thật sự rất sợ nếu một mai có con mẹ sẽ chẳng có cơ hội để kể nữa.
Con yêu xin con đừng vội cho rằng mẹ ngớ ngẩn mà bỏ lỡ những dòng còn lại, bởi qua câu chuyện mẹ sắp kể là những lời nhắn nhủ mẹ muốn dành cho con.
Câu chuyện bắt đầu bằng sự ra đời của mẹ trong một buổi chiều hân hoan nhưng cũng đong đầy nước mắt. Bà ngoại kể, sau một ngày dài đau đớn, mệt mỏi của bà ngoại cùng sự mong đợi của ông ngoại, mẹ cuối cùng cũng chào đời. Niềm hân hoan ùa đến khi bác sĩ mang mẹ đến cho ông ngoại, không ngoài dự đoán của ông, mẹ đáng yêu và vô cùng bụ bẫm. Nhưng nước mắt ông lại tràn mi khi đôi mắt long lanh của mẹ không thể thấy được ánh sáng, mẹ đã bị mù.
Con biết không, mẹ khuyết tật là một cú sốc rất lớn đối với ông bà bởi cậu của con cũng đã không còn thị lực nữa. Nhưng với ông bà ngoại mà nói cú sốc ấy dù lớn cách mấy cũng không thể lớn bằng niềm hạnh phúc khi nhà có thêm thành viên mới.
Rồi sự xuất hiện của mẹ trong gia đình dần trở thành gánh nặng bởi nhà vốn đã nghèo nay lại càng thêm khó khăn. Mẹ và cậu của con khi ấy chỉ mới năm tuổi thay phiên nằm viện. Những món đồ giá trị nhất trong căn nhà cũng theo đó từng món bay mất.
Ông ngoại ôm mẹ, bà ngoại dắt cậu, cả nhà cùng trải qua cuộc sống vật vờ nơi bệnh viện. Hết Nhi đồng lại chuyển sang bệnh viện Mắt, cứ thế ròng rã suốt ba năm liền. Cậu và mẹ bệnh, lại còn quá nhỏ nên cả hai ông bà đều không thể đi làm. Hầu hết tiền thuốc men và viện phí đều phải vay mượn từ họ hàng.
Mặc dù nhà rất nghèo nhưng chưa bao giờ ông bà có ý định bỏ rơi mẹ. Khi xã hội coi mẹ là người tàn phế thì người lại nâng niu, chăm sóc và dạy bảo từng chút một.
Rồi cả nhà cũng kết thúc những ngày mượn bệnh viện làm nơi ở, đó cũng là lúc mẹ đến tuổi đi học. Quê mình khi ấy cơm còn không có để ăn thì tiền đâu cho con đi học. Huống chi mẹ khuyết tật phải học trường chuyên biệt ở tận Sài Gòn.
Bà con, họ hàng phản đối nhiều lắm. Họ cười mỉa mai trước suy nghĩ của ông bà ngoại. Họ bảo mẹ biết gì mà đi học. Bỏ ngoài tai bao lời đàm tiếu, ngoại con vẫn quyết tâm lặn lội đưa mẹ đến tận Sài Gòn với mong muốn cho mẹ có tương lai tươi sáng. Cực khổ, gian nan ngày càng nặng trên vai nhưng những lúc mẹ về, trong nhà ngoài tiếng cười nói thì chẳng hề nghe một lời than vãn.
Mười mấy năm học tập, rèn luyện cứ thế một cấp rồi lại thêm một cấp, mẹ lần lượt vượt qua dễ dàng. Với thành tích đạt được, mẹ cuối cùng cũng có thể bước lên giảng đường đại học, môi trường mà bất kỳ một học sinh ham học nào cũng thèm khát được đặt chân đến.
Còn nhớ lúc ấy, ông ngoại nói với mẹ: "Ba cho con đi học không phải mong con sau này kiếm được nhiều tiền mà mong sao con có thể tự tin hòa nhập với xã hội và không bị người ta xem thường là kẻ vô dụng".
Kết thúc bốn năm đại học mang theo hành trang là tấm bằng cử nhân, mẹ nhanh chóng tìm được công việc chăm sóc khách hàng ở một công ty tư nhân. Tiền lương mẹ có được hàng tháng tuy không cao nhưng cũng đủ để tự lo cho bản thân. Mẹ có việc làm, điều đó có ý nghĩa rất lớn với ông bà ngoại bởi nó là bằng chứng cho thấy quyết định đưa mẹ đi học của ông bà trước đây là chính xác.
Rồi ngày quan trọng nhất mỗi đời người cũng đến, mẹ đi làm được một năm thì lấy ba của con. Có thể gả được con gái, đó là niềm vui của gia đình, nhưng mẹ lại cảm nhận đối với ông bà ngoại con, niềm vui thì chỉ một phần, còn lo lắng thì lại không thể đong đếm hết được. Bởi làm dâu với người phụ nữ bình thường vốn đã khó trăm bề, nói chi mẹ đã khuyết tật lại lấy chồng xa, khó khăn phải nhân lên gấp bội.
Đêm cuối cùng trước khi chính thức theo ba con về làm vợ, mẹ quỳ dưới chân ông bà ngoại làm lễ xuất giá. Lúc đó, mẹ đã òa khóc, khóc thật nhiều, chỉ đến khi ấy, mẹ mới thấu hiểu hết được sự hy sinh của ông bà ngoại dành cho mẹ. Mẹ không bao giờ quên mẹ có được mái ấm nhỏ này là nhờ một tấm lưng còng trở bệnh và một cánh tay bị băng bột.
Con yêu, chắc con cũng đoán được mẹ muốn nói gì rồi đúng không? Vì phải lo vội chuẩn bị ngày vui cho mẹ mà cột sống ông ngoại trở bệnh, còn bà ngoại thì không may bị té nên tay đã bị thương.
Con yêu à, có lẽ ai cũng cho rằng mẹ không may mắn khi bị khuyết tật. Còn riêng mẹ thì lại cảm thấy mẹ rất may mắn khi được sinh ra trong vòng tay của ông bà ngoại. Đối với mẹ, ông bà không chỉ là một đấng sinh thành mà còn là tấm gương về nghị lực sống và lòng nhân ái.
Với mẹ, ông bà ngoại của con là tấm gương về nghị lực sống và lòng nhân ái. |
Con yêu, con có biết bây giờ mẹ trông đợi điều gì nhất không? Đó chính là sự xuất hiện của con. Con không chỉ là món quà của ba mẹ mà còn là niềm hạnh phúc của ông bà ngoại. Mong mỏi của ngoại là khi tuổi xế chiều có thể được trông thấy con mạnh khỏe chào đời. Họ chờ từng ngày để được ngắm con, ôm con và thậm chí theo chân con trên hành trình khôn lớn.
Con yêu, với những gì ngoại dành cho mẹ hiện tại và cho con sau này thì mẹ con mình có dùng cả cuộc đời để đền đáp lại cũng không thể nào trả hết được. Mẹ không mong con thay mẹ trả hiếu. Mẹ chỉ hy vọng con có thể cùng mẹ đồng hành trên đoạn đường còn lại của ngoại để ông bà được tận hưởng khoảng thời gian vui vẻ và ý nghĩa mà đã từ rất lâu rồi chưa có được. Con có đồng ý với mẹ không nào? Mẹ biết con sẽ làm được, vì con là món quà hạnh phúc.
Trần Thị Thúy An