Sáng 16/5, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên hủy tư cách thành viên cũng như tỷ lệ góp vốn của bà Hoàng Thị Kim Anh (78 tuổi) cùng 4 người con của bà này (63,61%) tại Công ty TNHH Thủy sản Kim Anh. Ông Đỗ Ngọc Quí, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty Kim Anh, được tòa xử thắng kiện, sở hữu 100% vốn.
Công ty Kim Anh nơi ông Quí làm giám đốc. Ảnh: Thiên Phước |
Theo hồ sơ vụ án, Công ty Kim Anh thành lập năm 1994 gồm 6 thành viên góp vốn là bà Hoàng Thị Kim Anh (30,75%) với 5 người con Đỗ Ngọc Quí (36,39%), Đỗ Ngọc Tài (11%) Đỗ Ngọc Tươi (0,94%) Đỗ Thị Ngọc Sương (10,46%) và Dương Việt Trung (cùng mẹ khác cha với ông Quí, góp 10,46%). Ban đầu công ty có vốn điều lệ hơn 2 tỷ đồng nhưng sau 9 lần thay đổi giấy phép kinh doanh vốn tăng lên trên 113 tỷ đồng.
Trước khi mất vào tháng 2, bà Kim Anh có đơn gửi TAND tỉnh Sóc Trăng trình bày nguồn vốn của Công ty Kim Anh. Cụ thể, trên 30 năm trước bà kinh doanh thủy sản ở chợ Sóc Trăng nên tích cóp vốn mở Doanh nghiệp tư nhân Kim Anh vào năm 1992. Hai năm sau Công ty Kim Anh được thành lập và tỷ lệ góp vốn của các con do người mẹ luận công của từng người để chia tài sản hiện có của doanh nghiệp.
Qua hàng chục năm hoạt động, tất cả các thành viên trong gia đình bà Kim Anh cùng làm việc hòa thuận với nhau, không một cơ sở hay thành viên nào nằm ngoài hệ thống Công ty Kim Anh. Nhưng đến cuối năm 2010, ông Quí làm đơn khởi kiện yêu cầu tòa án xác lập quyền sở hữu toàn bộ Công ty Kim Anh cho ông, hủy tư cách thành viên của mẹ với 4 anh chị em trong hội đồng thành viên.
Danh sách thành viên với tỷ lệ góp vốn của mẹ với các anh chị em ông Quí. Ông này cho rằng 5 thành viên còn lại là do ông nhờ đứng tên dùm để thành lập công ty. Ảnh: Thiên Phước |
Trong đơn khởi kiện, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Kim Anh cho rằng mẹ với các các anh chị em có tên trong giấy đăng ký kinh doanh và trong điều lệ của công ty là do trước đây ông nhờ đứng tên dùm để làm thủ tục thành lập doanh nghiệp. Phía các bị đơn trình bày ngược lại rằng việc góp vốn làm thành viên sáng lập là có thật và ông Quí không trình được biên bản nào thể hiện đã nhờ người thân đứng tên nhằm hợp thức hóa thủ tục thành lập công ty.
Bảo vệ quyền lợi cho bị đơn, luật sư Bạch Sỹ Chất (Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng) trình bày với HĐXX rằng Công ty Kim Anh có hai lần tăng vốn cách nhau 7 năm. Mỗi lần tăng vốn, ngoài ông Quí thì các thành viên khác cũng được tăng vốn trên cơ sở lợi nhuận nhiều năm không chia. Do đó, ông Quí phải chia tài sản cho mẹ với các anh em khác đúng theo giá trị góp vốn thể hiện trong giấy đăng ký kinh doanh.
Đại diện VKSND tỉnh Sóc Trăng đề nghị HĐXX bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, giữ nguyên tư cách thành viên của các bị đơn theo đúng điều lệ Công ty Kim Anh và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hiện hành.
Tuy nhiên, những yêu cầu này không được tòa chấp nhận. HĐXX cho rằng các bị đơn không có giấy chứng nhận góp vốn để chứng minh là thành viên thật sự của Công ty Kim Anh. HĐXX cũng nhận định Doanh nghiệp tư nhân Kim Anh thành lập năm 1992 do ông Quí làm giám đốc, hàng năm ông Quí không chia lãi nên sau đó chuyển lên Công ty Kim Anh thì tất cả vốn ban đầu với lãi phát sinh đều thuộc về một mình ông Quí.
Sau phiên tòa, đại diện cho phía bị đơn, ông Tài cho biết sẽ kháng cáo.
Thiên Phước