Ảnh:Blogher.com
Chị lấy chồng dù không có tình yêu. Hôn nhân chỉ là một giải pháp để chị quên đi người yêu cũ, chính xác là người mà chị thầm yêu trộm nhớ. Tiếc rằng thời gian tìm hiểu quá ngắn nên chị không biết được chồng mình lại là một tín đồ cuồng nhiệt của môn cá độ. Anh ta có thể nướng cả trăm triệu đồng cho một trận bóng. Chơi bóng không đủ, anh cá độ cả tennis, rồi đua chó, đua ngựa... Chơi hết tiền của mình, anh về tróc nã vợ.
Vì thế khi bé Heo được 1 tuổi, vợ chồng chị chính thức chia tay. Không tình yêu, chồng lại đầy thói hư tật xấu, ly dị giúp chị như cởi bỏ được gánh nặng.
Sau ly hôn, không phải gồng gánh những khoản tiền hao hụt vô lý của chồng, tình hình tài chính của chị sáng sủa hơn rất nhiều. Thu nhập 15 triệu mỗi tháng, có người dì họ ở dưới quê lên giúp việc, chị thuê nhà ở ngoài, không về ở cùng bố mẹ đẻ và cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại. "Mình được tự quyết định cách chăm sóc con, thích mua sắm gì thì mua, thích đi du lịch ở đâu cũng được. Bạn bè gọi đi cà phê, bất kỳ lúc nào cũng có thể phóng xe tới ngay. Cuộc sống dường như không phải lo nghĩ nhiều. Mẹ thì thoải mái, nhưng đôi khi nghĩ về con cũng thấy chạnh lòng".
Từ ngày chia tay, chồng cũ của chị sang Campuchia làm ăn, thỉnh thoảng gọi điện về cho con. "Nói thật, mình cũng sợ nếu bố nó thua bạc, nợ nần bị xã hội đen đến hỏi thăm, rồi liên lụy đến con nên không muốn Heo liên lạc với bố". Mỗi khi Heo hỏi bố đâu, bố thế nào, chị thực sự lúng túng, chị trả lời bố ở Campuchia rồi tảng lờ nói sang chuyện khác. Bởi nói xấu bố Heo, chị thấy không không đành, không phải vì chị thương anh ta mà vì thương Heo. Với bé, tất cả những gì thuộc về bé bao giờ cũng là điều tốt đẹp nhất...
Chị Thùy Trang (một bà mẹ đơn thân ở TP HCM) cũng cảm thấy rất lúng túng mỗi khi con hỏi về bố. Chị đã rớt nước mắt khi có hôm đến trường mẫu giáo đón con thấy bé ôm chân một người đàn ông và gọi bố ơi. "Bố ở đâu? Sao bố không đón con? Sao bạn kia lại được cả bố và mẹ dẫn đi chơi, có phải bạn ấy ngoan hơn con không?"... luôn là những câu hỏi khiến chị đau đầu nhất. Những câu hỏi này còn gây cho chị nhiều áp lực hơn cả khi sếp giao việc khó. Bình thường chị rất vui vẻ và hài lòng với cuộc sống độc thân. Nhưng những câu hỏi về bố của bé Bi như nhắc nhở chị về tình trạng gia đình khuyết của mình.
"Mỗi lần nghe bé hỏi thế, mình cảm thấy vô cùng thương con. Mẹ đã miễn dịch với các điều khác thường so với những người xung quanh rồi nên không có vấn đề gì. Nhưng con thì khác". Trước những câu hỏi đó, chị cũng thường trả lời qua quýt cho xong chuyện, kiểu "Bố ở xa lắm, không đón con được. Con vẫn ngoan mà"... rồi cố gắng lái câu chuyện sang một hướng khác.
Theo các chuyên gia tâm lý và xã hội học, làm mẹ đơn thân hiện nay không khó, bởi xã hội đã chấp nhận việc người phụ nữ không kết hôn mà có con cũng như đã quen với tình trạng ly hôn ngày càng tăng. Thậm chí, như chia sẻ trong buổi hội thảo "Tâm tình mẹ đơn thân", thạc sĩ xã hội học Trần Đình Dũng cho rằng, những người mẹ đơn thân được tự mình nuôi dạy con cái còn hạnh phúc hơn những người phụ nữ tiếng là có chồng bên cạnh nhưng vô trách nhiệm với gia đình, bạo hành với vợ con.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng khuyên, khi con hỏi về bố, người mẹ đơn thân không nên nói xấu cha của đứa bé, kể cả khi vẫn còn hận thù với anh ta. Không nên nói bố bé chết rồi, nếu sự thực không phải thế, không nên chì chiết bố bé là kẻ khốn nạn. Bởi vì không ai có thể kiểm soát được chuyện cha con sau này có gặp nhau hay không. Cũng không nên gieo vào tâm hồn trẻ những suy nghĩ xấu xa về bố, đặc biệt với bé gái, khiến sau này dễ có thái độ thù ghét hay cực đoan với đàn ông. Đứa trẻ dù không sống cùng bố nhưng thực tế thì bé vẫn có bố, và đó là một sự thật không thể thay đổi.
Người mẹ không nói xấu nhưng cũng không cần phải ca ngợi bố của bé, nhất là đối với những bé đã lớn và biết nhận xét. Trường hợp bé Minh Trang, con chị Minh Thủy (TP HCM) là một ví dụ. Anh chị ly dị lúc bé 9 tuổi và bây giờ bé đã 12 tuổi. Dù đã ly hôn nhưng chị Thủy vẫn luôn khuyến khích con gái thân với bố. Chị cũng thường xuyên kể chuyện của con cho chồng cũ nghe nhưng anh có vẻ không nhập tâm. Chính cô bé đã phải thốt lên rằng: "Mẹ đã nói tốt về ba nhiều hơn con nghĩ". Bởi vì trong suốt bao năm qua, mỗi lần gặp hay gọi điện cho con, người cha chỉ có vài câu hỏi như đã được lập trình sẵn: "Con có ngoan không? Đi học có bạn nào bắt nạt con không? Con đã gọi điện về cho nội chưa" và anh không hề quan tâm đến câu trả lời của con như thế nào". Chán bố đến mức cô bé nói với mẹ rằng: "Sau này con sẽ không lấy chồng, bởi như mẹ buồn quá, mất tiền làm đám cưới rồi lại chia tay".
Theo thạc sĩ Trần Đình Dũng, đến lứa tuổi đã biết nhận xét như bé Minh Trang, người mẹ có thể lật bài ngửa, không cần thiết phải nói tốt cho chồng trước mặt con, hãy nói đúng sự thật. Hai mẹ con hãy cùng chấp nhận một sự thật rằng con đã lớn nhưng người cha vẫn giậm chân tại chỗ, không chịu trưởng thành để có thể hiểu được tâm sự của con. Và hai mẹ con hãy vui vì sự lựa chọn của mình.
Thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Phương cũng chung quan điểm, dù thế nào cũng không nên nói xấu bố của bé. Nói xấu bố lúc bé còn nhỏ sẽ khiến bé có suy nghĩ cực đoan về người cha, bé mất tự tin với bạn bè xung quanh khi có một người cha tồi tệ. Nói xấu bố lúc bé đã lớn, đã biết nhận xét có thể khiến bé đánh giá chính bản thân mẹ. Sinh ra con, nuôi dạy con nhưng không có nghĩa là bạn có thể suy nghĩ thay con. Người mẹ cũng không nên ích kỷ can thiệp vào tình cảm cha con của bé. Con cái vẫn luôn có những chính kiến của mình. Trưởng thành, rồi bé sẽ hiểu ai thực sự yêu thương mình.
* Tên nhân vật đã thay đổi
Kim Anh