Dạy con về tiền bạc và cách tiêu tiền không phải chuyện dễ dàng nhưng có thể thực hiện từ những việc đơn giản nhất: thông qua trò chơi hay các hoạt động gần gũi trong cuộc sống hàng ngày. Thiên Vũ được mẹ cho tiếp cận bằng cách thức đó từ khi gần 4 tuổi và lặp đi lặp lại cho đến tận bây giờ.
Tôi thường chơi trò bán hàng với con, lúc thì Thiên Vũ là người bán, khi lại là người mua. Lần này con là người bán và có một tiệm sách nhỏ. Trong tiệm trưng bày 3 cuốn sách, xe ôtô, máy bay đồ chơi và hai con thú nhồi bông. Đầu tiên, chúng tôi dán giá cho từng sản phẩm. Tôi hướng dẫn con xem giá trên bìa sách và lấy đó làm giá bán, sắp xếp chúng theo thứ tự từ cao xuống thấp để con dễ ghi nhớ. Đối với đồ chơi, vì không nhớ được giá đúng của từng món nên tôi cùng con dự đoán. Tôi hướng dẫn con đoán giá dựa trên chất liệu, độ to nhỏ của đồ vật. Ví dụ: cái to thì sẽ có giá cao hơn cái nhỏ, nhưng cũng tùy chất liệu nếu là nhựa cứng, giòn, dễ vỡ thì giá sẽ thấp hơn là nhựa đàn hồi, mềm mịn, sờ vào mướt tay và màu sắc đẹp. Chúng tôi đã chơi trò này nhiều lần, hành động đoán giá và xem giá giúp con hình thành thói quen xem xét cẩn thận và cân nhắc món hàng mà con muốn mua.
Việc thứ hai, cho con xem và ghi nhớ các đồng tiền theo mệnh giá. Việc này rất quan trọng, con nhận biết được các tờ tiền và phân biệt được đồng to nhỏ là thành công bước đầu trong việc dạy con tiền bạc. Tôi lấy trong ví ra đầy đủ tất cả các tờ tiền có mệnh giá từ 1.000 đến 100.000 đồng và hướng dẫn cho con xem từng tờ. Sau đó, tôi xếp chúng theo thứ tự tăng dần và cho con đọc theo nhiều lần để ghi nhớ. Thứ ba, tôi hướng dẫn con cách bấm máy tính tiền, con đã đọc được số nên chỉ cần nhìn số trên mặt máy tính thì sẽ biết số tiền phải thu của khách. Sau khi hoàn thành hết các khâu chuẩn bị, chúng tôi bắt đầu trò chơi.
- Sách này bán bao nhiêu vậy ạ?
- Vũ nhìn vào cái tem giá rồi đọc: Năm bảy không không không".
- "Còn cuốn này bao nhiêu ạ?"
- Bốn ba không không không
- Dạ cháu mua cuốn năm bảy không không không – năm mươi bảy nghìn ạ!
- Rồi tôi vừa rút ra 3 đồng tiền vừa đọc: "năm mươi nghìn cộng năm nghìn cộng hai nghìn bằng năm mươi bảy nghìn. Cháu gửi bác năm mươi bảy nghìn ạ!".
Việc giảng giải sẽ làm con khó tiếp thu hơn là đưa vào hoàn cảnh cụ thể. Vì vậy, để con biết cách đọc tiền, tôi thường đọc rõ trong lúc chơi như thế. Mua được hai lần thì tôi không ghé cửa hàng nữa, không thấy tôi đến mua con liền giao bán: "Ai mua hàng không? Ai mua đồ chơi không?". Dù đang chơi nhưng tôi thật sự rất ngạc nhiên khi thấy con trai 5 tuổi biết "marketing bán hàng khi bị ế". Tôi ghé vào và bắt đầu trả giá: "Cái này trông không đẹp lắm, nhưng bác không có cái khác. Bác giảm giá cho cháu được không?"; "Dạ được!", ông chủ dễ tính nói. Rồi tôi lại tính tiền trả tiền cho con và nói rất rõ phần giảm giá. Chả mấy chốc mà cửa hàng bị tôi mua sạch. Khi thấy tiệm mình không còn gì để bán mặt Vũ buồn thiu: "Mẹ mua hết của con mất rồi. Con không có gì bán nữa!". Tôi vừa buồn cười lại vừa đắc trí vì đúng ý mình: "Thế thì con dùng tiền bán được mua tiếp hàng mới về để bán cho mẹ. Ken đang bán đắt hàng và kiếm được nhiều tiền đấy". Nghe vậy, con lại hí hứng kiếm thêm đồ mới và tiếp tục trò chơi. Lúc tôi hết tiền là lúc chúng tôi kết thúc trò chơi. Tôi và con cùng ngồi lại để xem con kiếm được bao nhiêu tiền. Vũ lôi từ hai túi quần dưới mông đít lên một nắm tiền đầy đủ mệnh giá. Lại một lần nữa chúng tôi ôn lại các mệnh giá tiền để con nhớ.
- Hôm nay Ken bán hàng kiếm được nhiều tiền nhỉ. Con sẽ dùng tiền này để làm gì?
- Con cho mèo vàng ăn.
- Con có muốn làm gì nữa không?
- Con muốn ăn kem.
- Đã hết chưa, mẹ nghĩ là tiền vẫn dư đấy con có muốn làm thêm gì không?
- Con mua cả kem cho anh Tủn cho mẹ nữa.
- Mẹ cảm ơn Ken nhé! Ken của mẹ vừa giỏi lại vừa ngoan ngoãn yêu thương mọi người nè.
Tôi nhờ Tủn - Minh Quân là cháu trai ở cùng nhà, đi mua kem cho 3 dì cháu rồi ở nhà tóm tắt lại các bài học qua trò chơi cùng với con.
- Hôm nay Ken chơi có vui không?
- Dạ có.
- Khi bán hàng con kiếm được tiền nhỉ?
- Dạ. Con thích bán hàng, con sẽ đi bán hàng nhiều để kiếm tiền.
- Đúng rồi. Bán hàng giúp con kiếm tiền, có tiền con lại mua thêm đồ để bán sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Kiếm được nhiều tiền Ken sẽ rất giàu đấy, giàu là mua được xe hơi và cả máy bay chở mẹ đi vòng quanh thế giới.
Thấy con vui vẻ khi nhắc đến xe hơi máy bay, tôi lại tiếp: "Tiền con cho mèo vàng ăn là tiền tiết kiệm. Tiền mua kem cho con ăn là con tiền tiêu dùng. Tiền mua kem cho mẹ và anh Tủn là tiền yêu thương. Hôm sau mình sẽ tìm hiểu nhiều hơn về các loại tiền này nhé!" - "Dạ".
Trò chơi mua - bán hàng giúp con học được nhiều điều: từ cách xem giá, xem xét chọn lựa món hàng qua chất liệu, nhận biết đồng tiền - đọc tiền, cách tính và trả tiền, đến cách giao tiếp giữa người bán và người mua, việc trả giá... Tôi không biết còn trò nào dạy con về tiền hay hơn mua - bán hàng. Đặc biệt là con rất thích thú! Vì vậy, tôi rất hay cho con chơi trò này cũng như đưa con đi mua sắm thật cùng với mình.
Lê Như Quỳnh
Prudential và VnExpress phối hợp tổ chức cuộc thi "Chaching - Bé giỏi tiền hay" từ ngày 9/6 đến 21/7. Cuộc thi không chỉ giúp cha mẹ và con cái cùng nhau học thêm cách quản lý tiền mà còn là một cơ hội giúp cả nhà gắn kết hơn cũng như nhận phần thưởng bằng tiền mặt hấp dẫn. Trong đó, cơ cấu giải thưởng bao gồm: một giải Nhất trị giá 10 triệu đồng; hai giải Nhì, mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 5 giải Ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; 5 giải Yêu thích thông qua bình chọn của độc giả, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng. Ngoài ra, 20 bài dự thi có chất lượng tốt nhất được chọn vào chung khảo sẽ nhận 500.000 đồng và một con heo đất của Prudential.
Xem chi tiết thể lê cuộc thi tại đây.
Gửi bài dự thi tại đây