Người thân cho biết, tối 23/4 bé đang ngủ bỗng nhiên ôm tai bên trái khóc thét lên. Bố mẹ dùng đèn điện thoại soi vào bên trong tai bé kiểm tra, thấy có gì đó bên trong nhưng không rõ. Lát sau bé hết khóc, ngủ tiếp.
Sáng hôm sau, bé được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ khám, bác sĩ nội soi tai phát hiện một con gián còn sống trong tai bé và đang nằm ở tư thế ngửa. Kíp trực dùng thủ thuật làm chết con gián trong tai để giảm đau đớn cho bệnh nhi, sau đó gắp ra ngoài con vật to bằng đốt ngón tay.
Hiện bé đã xuất viện, tai không còn đau. Bác sĩ lý giải nhiều khả năng con gián chui vào tai khi bé đang ngủ. Có thể con gián nằm ngửa khi vào sâu bên trong tai bé nên không thể bò nữa hay ngọ nguậy lung tung, nhờ vậy bé bớt đau. Trường hợp này, nếu con gián nằm sấp có thể còn tiếp tục bò sâu hơn, khiến bé đau nhiều hơn và phải đến viện gấp trong đêm.

Con gián được bác sĩ gắp ra từ tai của bé trai. Ảnh: Hùng Lê
Theo bác sĩ, côn trùng chui vào tai bệnh nhân là tai nạn hy hữu, người bệnh gặp nhiều nguy cơ về sức khỏe. Ví dụ, ve chó hút máu, ký sinh trong tai hoặc chết lâu ngày khiến tai ngoài bị viêm, loét, chảy mủ, có thể gây thủng màng nhĩ, ảnh hưởng đến thính lực.
Trường hợp bị côn trùng chui vào tai, hãy bình tĩnh xử trí bằng cách dùng nước sạch nhỏ vào tai, giữ 10-15 phút để con vật chết hoặc bay ra khỏi tai. Nước sử dụng có thể là nước lọc hoặc nước muối. Cách tốt nhất là đến viện khám sớm, bác sĩ lấy dị vật ra ngoài bằng dụng cụ chuyên biệt. Không nên tự lấy dị vật ra do có thể làm tổn thương ống thính giác bên ngoài hoặc tổn thương sâu hơn màng nhĩ.
Để ngăn ngừa nguy cơ côn trùng chui vào tai, mũi, khi ngủ nên mắc màn. Vệ sinh sạch sẽ nhà cửa và chăn màn, chiếu; phun thuốc diệt muỗi, côn trùng quanh khu vực sinh sống.