Những kỷ niệm được tập hợp lại trong tác phẩm Nhà văn Sơn Nam - Những góc đời riêng lạ, do NXB Trẻ phát hành dịp 15 năm ngày mất của ông. Tập sách có 16 bài viết về cha của con gái lớn của Sơn Nam - bà Đào Thúy Hằng.
Hôm 13/8, trong buổi tưởng nhớ Sơn Nam tại Hội quán Văn nghệ sĩ TP HCM, bà Hằng cho biết luôn nhớ về cha với những hành động giản dị và hòa đồng. Trong mắt con gái, nhà văn Sơn Nam là người cha mẫu mực, yêu thương vợ con hết mực. Ông có tính "thấy chuyện gì cần làm thì làm, không để ý xung quanh, ai khen chê gì cũng kệ".
Ngày bé, bà Hằng thường được cha dẫn theo mỗi lần đi họp, làm việc. Bà còn giữ nhiệm vụ đưa thư cho cha, nội dung các lá thư thường là mượn tiền. Dù vậy, bà vẫn cảm nhận được sự giúp đỡ, tình cảm ấm áp từ người quen của cha, những người hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh "cơm áo gạo tiền" chật vật của nhà văn.
Trong nhiều trang viết, Sơn Nam đã miêu tả về những con người miền Tây cuộc sống khó khăn nhưng chân tình, nghĩa khí, gắn bó với quê hương, gia đình. Ngoài đời, ông chân chất, sống gần gũi với đời người lao động. Những ngày bé, bà Hằng được cha cõng đi khắp xóm trên xóm dưới để ông phụ giúp người ta xay lúa giã gạo, hai cha con ăn cơm ké quanh các nhà.
"Đối với tôi đó là điều đặc biệt mà không phải ai cũng có. Tôi học được ông cái tính là chỉ cần mình không làm hại ai, cần xin thì cứ xin, cần làm thì cứ làm", con gái nhà văn nói.
Ngoài bà Hằng, sách còn có sự đóng góp của những người thân thiết với Sơn Nam một thời như: Nhà văn như Lý Lan, Võ Đắc Danh, Ngô Khắc Tài, Phạm Sỹ Sáu, nhà báo Nguyễn Trọng Chức, Nguyễn Lam Điền. Những bài viết giúp độc giả có dịp biết thêm góc đời thường và tính cách của nhà văn.
Nhà văn Sơn Nam có sức viết dồi dào, đến nay vẫn chưa có công trình nào thống kê được đầy đủ tác phẩm của ông. Ông Nguyễn Hạnh, phó Tổng biên tập tạp chí Xưa & Nay là người đã giúp tổng hợp những bài báo của Sơn Nam. Theo ông, tạp chí Xưa & Nay làm công việc này như một cách tri ân sự đóng góp của Sơn Nam đối với tạp chí.
Một tác phẩm của Sơn Nam - Đi và ghi nhớ - cũng được ra mắt dịp này. Cuốn sách hơn 300 trang gồm gần 56 bài báo thuộc các chủ đề, chủ yếu là khảo cứu các vấn đề lịch sử, văn hóa, tập quán của con người Sài Gòn - Nam bộ xưa và nay. Ngoài ra, ông còn viết về con người, phong tục tập quán, đời sống tinh thần, suy nghĩ tản mạn về nhiều nhân vật và tác phẩm.
Đi và ghi nhớ cũng là tên một bài báo tiêu biểu của nhà văn Sơn Nam, đăng trên tạp chí Xưa & Nay năm 1997, nói lên tinh thần của một nhà văn lớn. Theo nhà văn Ngô Khắc Tài, ở Sơn Nam có "phẩm chất của nhà văn thứ thiệt, đó là sự quan sát và kiến thức tích lũy".
Nhà báo Nguyễn Trọng Chức - nguyên thư ký tòa soạn tuần báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật (nay là Tuổi Trẻ Cuối Tuần) - nhắc lại thói quen viết của nhà văn Sơn Nam: Ông thường có sáu tháng đi rong, sáu tháng vào thư viện, các văn khố. Tuy vậy, những thông tin bên lề về cuộc sống của ông ít khi được ông kể lại. Do vậy, ông Chức đề xuất nhà xuất bản kêu gọi những người thân thiết với nhà văn cùng góp nhặt lại những câu chuyện để có thêm nguồn tư liệu phác họa chân dung ông.
Một số đồng nghiệp cho biết sau khi nhà văn Sơn Nam nhượng toàn bộ tác quyền tác phẩm của ông cho một đơn vị xuất bản, nhiều tác phẩm, trang viết của ông vẫn được tìm thấy rải rác ở đâu đó. Thậm chí, có người còn tìm được các tác phẩm của ông từ những xe bán ve chai (đồng nát).
"Tôi thấy những tác phẩm mới công bố, đề tài về Nam Bộ của Sơn Nam vẫn tiếp tục có một mạch ngầm sống mãi. Những tác phẩm ấy làm cho độc giả, nhất là người trẻ tuổi hôm nay, yêu hơn mảnh đất Nam bộ. Nơi chúng ta không chỉ tiếp tục khai phá về lĩnh vực kinh tế, mà còn nhiều điều người Việt phải khám phá, từ khảo cứu cho tới viết văn", bà Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Trẻ, cho biết.
Nhà văn Sơn Nam (1926-2008) tên thật là Phạm Minh Tày, quê Kiên Giang. Ông có nhiều tác phẩm gây tiếng vang như: Chuyện xưa tích cũ, Tìm hiểu đất Hậu Giang, Hương rừng Cà Mau, Chim quyên xuống đất, Hình bóng cũ, Bà chúa hòn, Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Bến Nghé xưa, Xóm Bàu Láng. Ông được mệnh danh là "Ông già Nam Bộ" vì những am hiểu về vùng đất Phương Nam. Ngoài viết văn, ông còn là nhà báo và nhà nghiên cứu văn hóa. Năm 2003, NXB Trẻ mua toàn bộ tác quyền của Sơn Nam, độc quyền xuất bản sách của ông trong và ngoài nước.
Ngạn Bình