Con tôi gần 6 tuổi. Vì điều kiện công tác, mấy tháng trước, gia đình tôi chuyển tới sống ở một vùng ngoại thành Hà Nội và tôi cũng chuyển trường cho con tới đó. Thời gian đầu học lớp mới, con tôi có vẻ rụt rè, ít nói, về nhà cháu còn kể với tôi là "không thích chơi với các bạn vì hay gọi mày - tao, mất lịch sự".
Thời gian gần đây, con tôi đã quen với bạn và cô, cháu hào hứng đi học và tỏ ra mạnh dạn hơn. Tuy nhiên, điều khiến tôi lo lắng là cháu bắt chước các bạn trong lớp, về nhà hay đọc cái bài vè nhảm nhí, rồi nói tục (với bạn bè khi chơi cùng, chứ chưa nói với người lớn). Tôi nghe được mắng cháu, cấm con không được nói những từ ngữ như thế, nhưng thi thoảng sau lưng mẹ, tôi vẫn nghe thấy con nói. Tôi không biết nên ứng xử thế nào với cháu? (Chuyên)

Ảnh minh họa: Diosav.org.
Trả lời:
Chào bạn,
Trẻ rất nhanh nắm bắt những cái mới, nhất là điều bé cho là lạ, là kỳ cục. Khi ấy, trẻ thường lặp lại cách nói, cách làm đó. Trong những trường hợp này, đôi khi việc người lớn cố gắng ngăn cản, mắng mỏ sẽ khiến trẻ tái diễn lâu hơn, nhưng khi chúng ta lơ đi thì con lại hết tật này lúc nào không hay.
Trở lại trường hợp của con bạn, đầu tiên, hãy trò chuyện với con để tìm hiểu xem vì sao cháu lại bắt đầu nói những từ này, con bắt chước ai, ở đâu.
Thông thường, trẻ ở tuổi con bạn rất hay bắt chước bạn bè. Trong lớp, một bạn nói điều gì đó "lạ" thì rất có thể cả nhóm sẽ nói theo. Ngoài ra, những từ tục, từ bậy theo suy nghĩ của người lớn có thể lại không hề có nghĩa như vậy với trẻ. Trẻ chỉ nghe và nói lại, không hiểu được ý nghĩa của từ đó, câu đó. Vì thế, thay vì ngay lập tức cấm con nói, bạn có thể giải thích cho bé hiểu nói như thế là xấu, không hay, không nên nói. Nếu bố mẹ không giải thích gì, chỉ một mực ngăn cấm bằng thái độ gay gắt, có thể khiến con tò mò và muốn thực hiện điều này nhiều hơn để thử phản ứng của người lớn.
Cũng có thể việc chuyển nhà, chuyển trường khiến bạn ít có điều kiện chăm sóc, yêu thương con hơn trước, khiến trẻ cảm thấy hẫng hụt, bị bỏ rơi nên dễ nhiễm các thói xấu hoặc nói những điều bé cho là thu hút sự chú ý của bố mẹ. Bạn hãy giải thích cho con hiểu tình cảm của mình, nguyên nhân phải chuyển chỗ ở, chỗ học, và dành nhiều thời gian hơn để gần gũi, quan tâm tới con.
Trước mắt, không nên cấm cản quá quyết liệt mỗi khi thấy con nói tục. Trong một số trường hợp, có thể cho phép con nói những câu không hay này nhưng trong toilet, khi ở trong phòng một mình, để trẻ không cảm thấy bị gò bò quá đáng và có kênh "xả", dần dần lấy lại cân bằng.
Bạn cũng cần tìm hiểu môi trường lớp học của con. Nếu thấy đó là môi trường có nhiều trẻ hay nói tục, chửi bậy, có thể ảnh hưởng xấu tới con, và mức độ ngày càng nghiêm trọng, nên nghĩ tới việc tìm cho con một nơi khác, an toàn, trong sạch và giúp con phát triển lành mạnh hơn.
Thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn
Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em NT