4h30 sáng một ngày cuối tháng 12, bà Lan lục tục dậy bật đèn, mở bảng chữ cái tiếng Việt rồi video call cho con gái Quế Thanh, 28 tuổi, đang ở quận 7, TP HCM, để ôn bài.
Bà Lan bắt đầu xóa mù chữ từ đầu tháng 12, còn với Quế Thanh đây là buổi thứ tư cô ngồi ôn bài cùng mẹ. "Quá nửa đời người lăn lộn mưu sinh, nay đầu hai thứ tóc tôi mới bập bẹ học chữ", bà Lan ngại ngùng nói.
Ngày nhỏ, bà Lan từng được cho đi học mẫu giáo cách nhà gần 4 km. Sức khoẻ yếu, lại mắc bệnh động kinh, không ít lần đang đi học bà ngã nhào xuống sông hoặc ngất xỉu trên lớp, ba phải đón về. Nhà nghèo mà tiền thuốc chữa bệnh lớn, cô bé Lan khi đó phải nghỉ học khi chưa biết mặt chữ.
Lớn lên bà làm việc trong xưởng gỗ của gia đình. Không biết chữ nhưng bà Lan rất giỏi nhận diện con số hay các ký hiệu của gỗ. Toàn bộ việc báo giá, giới thiệu sản phẩm bà đều trao đổi bằng miệng, khi cần soạn hợp đồng, ký giấy tờ phải nhờ người nhà giúp đỡ.
Năm 1992, bà Lan nên duyên với ông Trần Minh Công, người cùng xã, rồi sinh hai con, một trai, một gái. Để mưu sinh, ông bà làm đủ nghề, từ làm mộc, trồng trọt, nuôi tôm, cá. Năm 2000, vợ chồng bà chuyển sang kinh doanh đồ mai táng và cũng quên ý định học chữ.
Mẹ không biết chữ, ba chỉ học hết lớp 2, từ bé chị em Quế Thanh phải rèn tính tự học. Không xấu hổ, Thanh cố gắng đứng nhất lớp vì muốn mẹ tự hào về mình. Năm Thanh 12 tuổi, bà Lan 35 tuổi, cô con gái ngỏ ý dạy chữ cho mẹ để tiện công việc kinh doanh, nhưng bà từ chối. Khi lớn, cô mới biết mẹ sợ các con "lây" dốt của mình.
"Cả đời mẹ không biết chữ, nhưng mẹ đã hy sinh để chị em tôi có cuộc sống tốt. Dù có thế nào, tôi vẫn yêu và tự hào về mẹ", Quế Thanh nói.
Đầu tháng 12 năm nay, bà Lan bất ngờ khoe "có bé Thư, 26 tuổi, hàng xóm, sang dạy chữ". Bà nói nếu biết chữ sẽ hiểu được mọi người viết gì, nói gì trên mạng xã hội, sau có thể hát karaoke cùng bạn bè hoặc tự soạn hợp đồng kinh doanh thay vì nhờ chồng. Còn hiện tại, để nhắn tin cho hai con ở xa bà chỉ có thể dùng biểu tượng cảm xúc hoặc ghi âm giọng nói.
Để khích lệ mẹ, Thanh ngỏ ý cùng bà ôn luyện 45 phút mỗi sáng qua mạng. Tuổi cao, mắt mờ, tiếp thu chậm, nhưng bà Lan không nản mà cẩn trọng ghi chép, sau thực hành theo lời dạy của "cô giáo".
"Từ từ thôi, mẹ phải nhớ mặt chữ. Nói nhanh quá mẹ bị loạn", bà nhắc con. "Ngày trước học chữ con cũng vậy mà", Thanh động viên.
Ngoài con gái, ông Công, 53 tuổi, chồng bà Lan, cũng tranh việc dạy chữ cho vợ. Sợ "lắm thầy nhiều ý", bà kiên quyết từ chối, chỉ học từ cô gái hàng xóm tên Thư và ôn luyện cùng con gái.
Sau hai tuần học, bà khoe đã học hết bảng chữ cái tiếng Việt và bắt đầu học ghép từ đơn. Bà nói vẫn ngại khi ai đó thấy mình bập bẹ học chữ, nhưng nhờ sự động viên của gia đình, cùng mong muốn khám phá thêm nhiều điều mới, bà lại kiên trì học. "Tôi ước một lần trong đời được tự đọc sổ sách, giấy tờ và có thể hát karaoke dễ dàng", bà cười.
Còn với Quế Thanh, cô muốn chia sẻ chuyện học chữ của mẹ lên mạng xã hội vì muốn lan toả thông điệp: Không gì là quá trễ để làm những việc bản thân mong muốn.
Ngay sau khi đăng tải, bài viết nhận hàng chục nghìn lượt yêu thích và bình luận từ những người xa lạ. "Chúc cô sớm học xong bảng chữ cái, đọc và ghép vần thuần thục", người dùng có tên Lam Hoàng viết.
Quỳnh Nguyễn