Hội Nhà văn Việt Nam và Nhà xuất bản Kim Đồng vừa tổ chức kỷ niệm 90 năm ngày sinh Đoàn Giỏi tại Hà Nội, ngày 26/5. Đông đảo văn sĩ, nhà phê bình, độc giả cùng gia đình cố nhà văn góp mặt.
Tại chương trình, bà Lê Thị Thái Hà - con gái Đoàn Giỏi kể nhiều kỷ niệm về cha. Bà vốn là con riêng của vợ Đoàn Giỏi, lẽ ra phải gọi ông là "dượng", nhưng luôn được ông yêu thương hết mực. Sinh thời, nhà văn có một người con trai tên là Đoàn Viễn. Tuy nhiên, con trai của ông mắc bệnh và qua đời sớm. Bà Hà là người con gắn bó với Đoàn Giỏi đến những ngày cuối đời.
Trong ký ức của con gái về nhà văn, Đoàn Giỏi là người hết lòng yêu thiên nhiên, luôn quan sát tỉ mỉ cây cối, động vật. Ở Hà Nội, gia đình ông sống trong căn nhà tập thể số 2 phố Cổ Tân. Tuy nhà bé, ông vẫn cố trồng cây. "Nhà tôi ở tầng hai, ban công nhỏ xíu, nhưng cha làm một cái bệ đưa ra ngoài trồng cây. Ăn mướp đắng, ba lấy hạt gieo thành cây, rồi giâm những cành rau thơm, trồng cây cẩm cù trên đó, hàng ngày chăm sóc cẩn thận". Không chỉ dạy con cái yêu quý, chăm sóc cây, Đoàn Giỏi còn hướng dẫn con các kinh nghiệm sống dựa vào thiên nhiên. "Có năm tháng ba trời ấm, tôi phơi chăn, áo bông ngoài ban công và hỏi cha liệu đã hết rét chưa. Cha tôi trả lời tôi rằng, con hãy nhìn cây gạo đầu phố, nếu nó còn hoa, nghĩa là còn rét dù ông là người Nam bộ", bà Hà kể.
Ngoài yêu cây cỏ, nhà văn cũng dành sự quan tâm, chăm sóc cho động vật. Gia đình có bốn người, bữa cơm chia làm bốn suất ăn, nhưng phần của Đoàn Giỏi luôn san ra thành hai, ông một nửa, chia cho con mèo gia đình nuôi một nửa. Trước khi mất, Đoàn Giỏi dặn con gái phải cho những con thạch sùng ăn. Kỷ niệm đó được bà Thái Hà kể: "Những ngày cuối đời, cha tôi nằm viện ở TP HCM. Khi tôi vào chăm, cha một tay đang cắm ống truyền thuốc, một tay vẫn kê giấy, cầm bút viết: 'con về nhà nhớ cho lũ thạch sùng ăn'. Tôi về căn phòng của cha trên phố Võ Văn Tần mới biết, hàng ngày ông cho cơm nguội vào cái đĩa, để trên bậu cửa cho đám thạch sùng bò tới ăn".
Chính vì tình yêu thiên nhiên mà Đoàn Giỏi đã viết nên Đất rừng phương Nam, về sông nước Nam bộ đậm tình như thế. Đoạn trích "Sông nước Cà Mau" trong tác phẩm được đưa vào giảng dạy cho chương trình Ngữ văn lớp 6.
Nhiều nhà văn, nhà thơ đã ôn lại kỷ niệm, tôn vinh những trang viết của tác giả Đất rừng phương Nam tại buổi lễ. Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nói: " Tôi vô cùng xúc động trước nhân cách và các trang viết của Đoàn Giỏi. Ông là người được thừa hưởng một gia sản lớn nhưng đã bỏ hết để đi theo cách mạng, rồi cuối đời vẫn vui vẻ ở trong một căn phòng nhỏ".
Nhà văn Lê Phương Liên cho biết, bà đọc Đất rừng phương Nam từ bản in đầu năm 1957. "Văn Đoàn Giỏi hoàn toàn mới lạ với người Hà Nội ngày ấy. Nhờ ông mà người đọc được thả hồn vào tận nơi xa xôi mờ mịt đằng sau vỹ tuyến 17... để biết cây đước Cà Mau, những dòng kênh rạch dọc ngang xôn xao tiếng chèo... Thời đó chưa có tivi, chưa có phim ảnh gì nhiều... Cuốn Đất rừng phương Nam với cuộc phiêu lưu hấp dẫn hồi hộp của chú bé An đã đến với học trò miền Bắc những năm 1960, 1970 thế kỷ trước như một món quà kỳ diệu" - Lê Phương Liên nói.
Nhà thơ Thụy Anh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đọc sách cùng con - nói: "Văn Đoàn Giỏi đáp ứng nhu cầu lớn của trẻ con, đó là nhu cầu phiêu lưu. Tác phẩm của ông có tiết tấu nhanh, nhưng đôi khi lại chậm rãi, lãng mạn. Có lẽ được học về mỹ thuật nên các trang viết của ông đầy hình ảnh, màu sắc".
Đại diện Nhà xuất bản Kim Đồng cho biết đơn vị này đã ký hợp đồng với gia đình nhà văn Đoàn Giỏi để độc quyền xuất bản 11 tác phẩm của ông.
Lam Thu