Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó ở một vùng quê hẻo lánh.
Chẳng giống như những đứa trẻ khác, mỗi ngày tôi đi học không được ba má cho tiền ăn quà bánh. Sáng nào má cũng thức sớm, nấu nồi cháo trắng, cả nhà mỗi người một chén cháo trắng ăn với nước mắn rồi đến trường học. Tôi thèm một mẩu bánh mỳ hay gói xôi như các bạn nhưng chưa bao giò tôi có được.
Có người hỏi tôi lớn lên con muốn làm nghề gì. Tôi nhanh nhẩu trả lời mà không hề do dự: "Con làm nghề gì cũng được, miễn sao được làm để có tiền. Có tiền để mua gạo nấu cơm ăn, không phải ăn cháo nữa. Con chỉ muốn được ăn cơm thôi".
Khi tôi lên 10 tuổi, má gởi tôi về ở với bà ngoại. Nhà ngoại cũng nghèo lắm. Mỗi sáng ngoại tôi quảy gánh đến chợ. Ngoại bán rau, bán chanh, ớt, trái cây... những thứ ngoại thu hoach trong vườn nhà. Ngày nào được nghỉ học, tôi lại theo ngoại đi bán. Ngoại quảy gánh đi trước, tôi lẽo đẽo theo sau. Trên vai tôi mang cái giỏ đệm trong đó có ít rau hay trái cây phụ dùm cho ngoại đỡ nặng. Hai bà cháu bước thấp bước cao đi bộ mấy cây số đường đất gồ ghề để ra chợ. Ra đến chợ, hai bà cháu dùng lá chuối lót xuống lề lộ, rồi bày hàng ra bán. Bán xong, ngoại mua mớ tép, mớ cá, chút đỉnh mắm muối rồi hai bà cháu lại đi bộ trở về nhà.
Sau buổi cơm trưa, bà cháu lại ra vườn để chuẩn bị các thứ cho buổi chợ ngày mai. Hôm nào, bán đắt hàng thì ngoại cho tôi vài tờ giấy 1.000 đồng ăn bánh. Tôi mừng lắm nhưng không bao giờ tôi mua bánh mà tôi cất ngăn nắp vào chiếc hộp giấy cũ để dành. Lúc đó, tôi không có được con heo đất để cất tiền như những đứa trẻ khác. Với số tiền dành dụm được, thỉnh thoảng, tôi xin ngoại cho tôi mua đôi dép mới hay cái áo, hoặc tập vở, bút mực để dành đi học. Mỗi khi mua được món đồ mới, tôi vui mừng lắm và có thêm chút hảnh diện vì nghỉ rằng mình mua bằng chính đồng tiền của riêng mình....
Tôi lớn lên, rời quê theo chồng về thành phố. Chúng tôi đều là công nhân, sống nhờ vào đồng lương cố định hàng tháng, mọi thứ chi tiêu chúng tôi phải tính toán kỹ lưỡng lắm mới có thể nuôi hai đứa con ăn học đầy đủ được. Đã từng lớn lên trong cảnh nghèo đói cơ cực từ đời ông bà, cha mẹ, tôi biết lao đông từ thuở nhỏ để kiếm từng đồng bạc lẻ nên biết giá trị của đồng tiền. Tôi đem những kinh nghiệm thực tế ấy để dạy cho con mình. Đứa con gái lớn của tôi năm nay 16 tuổi, đứa út sinh năm 2014, cháu đã học xong lớp hai. Mỗi khi đi học về, hai cháu hay kể chuyện ở trường ở lớp của mình cho tôi nghe. Cháu thường trầm trồ khoe:
- Con có đứa bạn nhà nó giàu lắm, mỗi ngày bạn ấy được ba cho tờ giấy 20.000 đồng đồng để ăn bánh. Có khi bạn còn mua đồ chơi nữa.
Tôi giải thích cho con mình hiểu rằng, ba má đều là công nhân, thu nhập không cao, mọi người trong nhà phải cùng nhau tiết kiệm. Mỗi sáng ăn điểm tâm ở nhà rồi mới đi học, đi làm. Khi đi, mỗi người đều mang theo nước uống cho riêng mình. Tránh dùng nước giải khát bên ngoài cho hợp vệ sinh và đỡ tốn kém hơn.
Tuy rằng con tôi không phải ngồi giữa chợ để mua thúng bán mẹt như tôi ngày xưa nhưng tôi cũng hay tạo cơ hội cho con mình làm ra tiền. Tôi khuyến khích cho con học giỏi. Lúc con còn đi mẫu giáo, cuối tuần nếu con ngoan, được cô giáo thưởng một bông hoa màu đỏ về khoe thì tôi thưởng có con mình 5.000 đồng. Con tôi thích lắm, tự tay cháu cất vào con heo đất.
Hai chị em mỗi đứa có một con heo riêng. Mỗi khi trong nhà có đồ phế thải như lon bia, hộp sữa hoặc chai nước mắm, nước tương bằng nhựa tôi nhắc con mình gom lại để dành bán đồng nát lấy tiền nuôi heo. Mỗi lần sinh nhật của con hoặc Tết nhất, hai con được tiền lì xì, tôi không giữ tiền mà cho con để nuôi heo, làm của riêng. Khi heo đã đầy, con xin phép tôi đập heo lấy tiền mua sắm những lúc đó cả nhà tôi vui như có hội.
Tôi thấy bạn bè của tôi hay khoe rằng, mỗi khi họ nhờ con giúp việc nhà xong họ hay cho con vài nghìn đồng với tính cách như trả công. Tôi không bằng lòng với hành động như thế bởi vì tôi nghĩ mọi thành viên trong nhà đều có trách nhiệm và bổn phận chăm sóc việc nhà. Tuổi nhỏ làm viêc nhỏ, làm để tập làm quen với công việc, để chia sớt nặng nhọc với ba má, làm bằng sự tự giác, quan tâm của con cái dành cho ba má chứ không phải làm để được trả công bằng tiền.
Tóm lại, tôi muốn giáo dục cho con mình hiểu rằng để có được đồng tiền phải làm việc vất vả lắm, từ suy nghĩ đó, con tôi phải biết quý trọng đồng tiền, không được phung phí. Phải biết tiết kiệm nhưng chỉ là tiết kiệm chứ không phải keo kiệt.
Phạm Ngọc Hơn
Prudential và VnExpress phối hợp tổ chức cuộc thi "Cha-Ching - Bé giỏi tiền hay" từ ngày 9/6 đến 21/7. Cuộc thi không chỉ giúp cha mẹ và con cái cùng nhau học thêm cách quản lý tiền mà còn là một cơ hội giúp cả nhà gắn kết hơn cũng như nhận phần thưởng bằng tiền mặt hkấp dẫn. Trong đó, cơ cấu giải thưởng bao gồm: một giải Nhất trị giá 10 triệu đồng; hai giải Nhì, mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 5 giải Ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; 5 giải Yêu thích thông qua bình chọn của độc giả, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng. Ngoài ra, 20 bài dự thi có chất lượng tốt nhất được chọn vào chung khảo sẽ nhận 500.000 đồng và một con heo đất của Prudential.
Xem chi tiết thể lê cuộc thi tại đây.
Gửi bài dự thi tại đây