Lưu Hà
- Trong các sáng tác của Nguyễn Tuân, chị thích nhất là tác phẩm nào?
- Tôi đọc rất kỹ các sáng tác của cha tôi và thích nhất là Chùa Đàn. Vì ở tác phẩm này cụ viết sắc sảo, độc đáo lắm. Chùa Đàn cũng thể hiện rõ nét con người và cá tính của cụ. Cha tôi viết cuốn này rất nhanh, chỉ trong có hai ngày.
![]() |
Họa sĩ Thu Giang - con gái nhà văn Nguyễn Tuân. Ảnh: Thanh Hòa. |
- Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam có một Nguyễn Tuân độc đáo, cá tính không chỉ trong văn chương mà còn trong cuộc sống phóng khoáng đời thường một phần là nhờ vào người phụ nữ sau lưng nhà văn. Là con gái trong gia đình, chị nhìn nhận thế nào về vai trò của mẹ mình đối với những thành công của cha?
- Mẹ tôi tảo tần, chịu thương chịu khó. Cha tôi rất may mắn có được một người vợ như vậy. Bà rất nhạy cảm với công việc của chồng nên thường xuyên ngấm ngầm giúp ông. Mẹ khiến cha tôi rất nể trọng vì bà hầu như không để tâm đến những gì xảy ra bên ngoài, chỉ một mực thu vén gia đình để chồng toàn tâm với sáng tạo nghệ thuật. Có những thời gian, cha tôi đi biền biệt, mẹ cũng ít khi nhận được đồng tiền nào của cha. Nhưng bà vẫn xoay xở nuôi được các con khôn lớn. Thời đoạn khó khăn, mẹ vẫn chăm lo tốt cái ăn cái uống cho cha, vì cụ rất khảnh ăn. Bữa ăn nào cũng phải có tý thịt, tý rau. Vậy nên, mua được tý thịt nào, bà lọc ra cho chồng, cho con, còn mình thì chẳng cần gì hết.
- Là con gái út và sống rất gần gũi với cụ, chị có ấn tượng như thế nào với người cha nổi tiếng của mình?
- Bên ngoài, cha tôi có thể sống phóng khoáng, đầy chất nghệ sĩ. Nhưng trong gia đình, cụ rất nghiêm khắc, rất khắt khe trong việc giữ nền nếp gia phong. Cụ bảo gì là phải làm nấy, làm sai là không xong với cụ. Nhưng cụ lại rất thương con. Tôi là con gái nhưng rất láo lếu và nghịch ngợm, cụ vẫn thương nhất. Tôi lêu lổng cho tới khi cụ mất mới phải tự mình bươn chải. Trong cuộc sống, cha tôi yêu ghét rất rõ ràng. Đã yêu thương ai thì hết lòng hết dạ, nhưng đã ghét ai thì cũng không để đâu cho hết. Cụ sống thẳng thắn, thật thà và không uốn éo trước bất cứ điều gì cả. Tôi thích tính cách đó và cũng bị ảnh hưởng tính cách đó. Nhưng mình là con gái nên đôi khi vì thế cũng phải chịu thiệt thòi.
- Trong cuộc sống, nhà văn Nguyễn Tuân thường dạy con cái những điều gì?
- Nói chung, cha dạy chúng tôi nhiều thứ lắm. Tôi đều ngấm hết, có cái thực hiện được, có cái không. Nhưng tôi là con gái nên cụ rất chú tâm răn dạy cách đi đứng và lời ăn tiếng nói. Cụ bảo, con gái đi guốc phải kiễng chân sau lên, để mũi chân chạm đất trước rồi mới hạ gót xuống. Như thế mới không phát ra những âm thanh lọc cọc. Còn các cô gái bây giờ, gót và mũi chân nện xuống đất một lần nên đi đứng rất ồn ã và thiếu thanh lịch. Cha cũng là người dạy tôi cách đánh phấn son. Cụ có con mắt thẩm mỹ tinh tế nên rất sành chuyện này. Cụ bảo, trang điểm phải đẹp nhưng làm sao giữ được nét tự nhiên để người ta không biết là mình trang điểm. Một lần tôi bôi trát mặt trắng phớ, má đỏ choét. Cụ gọi tôi vào mắng rồi dặn: "Da con không trắng nên không được dùng phấn trắng, phải dùng phấn hợp với màu da".
- Tại sao chị không chọn nghiệp văn chương?
- Sinh thời, cha tôi bảo, theo nghiệp văn chương phải chấp nhận gian truân, khổ ải. Đã làm nhà văn, thì hoặc phải đạt đến đỉnh cao, hoặc không là gì cả, chứ không nên làng nhàng. Người viết văn đôi khi phải hy sinh đến độ không còn là bản thân mình nữa. Tôi không chọn con đường văn chương cũng vì quan niệm ấy của cụ.
![]() |
Chị Thu Giang trao kỷ vật của nhà văn Nguyễn Tuân: mũ và cây batoong cho đại diện bảo tàng VN nhân lễ tưởng niệm 20 năm ngày ông qua đời. Ảnh: L.H. |
- Cha chị là nhà văn nổi tiếng, còn chồng chị là họa sĩ nổi tiếng Nguyễn Tư Nghiêm. Sống giữa hai nhân cách lớn như thế, một người cũng hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật như chị phải chịu áp lực gì?
- Tôi không cảm thấy áp lực vì tôi lấy chồng không bởi sự nổi tiếng. Tôi tìm thấy ở chồng tôi bóng dáng của người cha. Mà không ai yêu tôi bằng cha tôi hết. Hai con người ấy có rất nhiều điểm chung: thẳng thắn, chân thành, bất cần. Họ đều là những nghệ sĩ không bao giờ thỏa mãn với những gì mình đang có mà luôn tìm tòi để đổi mới. Ngày trước, tôi không hiểu nổi vì sao mẹ tôi lại quanh quẩn suốt ngày với gia đình như thế. Nhưng về sau, tôi cũng thấy mình ngày càng giống mẹ.
- Tại sao chị lại chọn thời điểm này để ra mắt vở kịch "Cỏ độc lập"?
- Vở kịch này được Trưởng ban kiểm duyệt báo chí Bắc Bộ cấp phép xuất bản năm 1946. Nhưng chưa kịp đem in thì kháng chiến bùng nổ nên phải gác lại. Trang đầu tác phẩm, cha tôi đề: "Tặng con Sơn Muội", nghĩa là tặng cho tôi. Khi trao bản thảo cho tôi, cụ nói: "Tùy con, con thấy lúc nào thích hợp thì hãy cho in". Tôi nghĩ, kỷ niệm 20 năm ngày mất của cha là một thời điểm đẹp để ra mắt.
Năm 2000, đã có người cho in tác phẩm này mà không hề xin phép gia đình tôi. Tôi không hiểu họ có được bản thảo từ đâu nhưng in sai rất nhiều. Lần này, chúng tôi phát hành 500 bản trên giấy dó. Mỗi bản được đánh số series riêng và chỉ dành tặng cho bạn bè và đồng nghiệp chứ không bán.
Lưu Hà thực hiện