Hơn 500 trang ấn phẩm là những ghi chép của Nguyễn Huy Tưởng giai đoạn năm 1938 đến trước năm 1945, do ông Nguyễn Huy Thắng - con trai ông - tổng hợp, biên soạn. Tác phẩm gồm ba phần, được chia theo các mốc thời gian: 1938-1939, 1940-1943, 1943 cho đến trước Cách mạng tháng Tám.
Theo tác giả, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng bắt đầu viết nhật ký năm 18 tuổi nhưng phải đến năm 1938, ông mới duy trì như thói quen. Nguyễn Huy Thắng lý giải khi ấy cha ông đã hoàn thành việc học, sau đó thi đỗ làm thư ký của nhà Đoan (Sở Thuế quan) Hà Nội. Không còn cảnh thất nghiệp, Nguyễn Huy Tưởng yên tâm theo đuổi con đường văn chương, thực hiện điều bản thân luôn ấp ủ là trở thành văn sĩ.
Trong nhật ký ngày 25/10/1938, nhà văn viết: ''Sáng hôm nay, tôi sung sướng đi làm, lòng tôi phơi phới, tôi thấy nhẹ nhàng trong tâm hồn. Tôi lẩm bẩm nói một mình 'Ta tìm thấy cái ý nghĩa của cuộc đời ta rồi'. Phải, tôi không bao giờ thấy tôi sung sướng như độ này, độ mà tôi theo đuổi một công trình văn chương...''.
![Con đường Văn sĩ - nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2024/04/24/Con-duong-van-si-anh-bia-3-1-6386-1713964820.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=etSjlYjrEWnHJRHd_yFP_g)
Sách ''Con đường văn sĩ'' được Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành hôm 24/4, dịp Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024, đồng thời hướng đến kỷ niệm 112 năm ngày sinh của Nguyễn Huy Tưởng. Ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng
Dù đôi lúc mỏi mệt, Nguyễn Huy Tưởng chưa từng vơi bớt sự quyết tâm với nghiệp viết lách, luôn dặn mình phải hoàn thiện hơn. Ngày 31/12/1940, ông đốc thúc bản thân: ''Làm việc đi, làm cho xong cuốn Đồng trụ, ai lại bỏ dở đấy được. Phấn đấu! Nghị lực!". Ngày 27/6/1941, nhà văn tự nhận xét tác phẩm Đồng trụ: ''Tuy vậy, xem lại cuốn kịch của mình thấy văn non và ý rườm. Nhiều đoạn cần phải bỏ...''. Sau thời gian miệt mài sáng tác, cuối năm 1942, tiểu thuyết Đêm hội Long trì - một trong những tác phẩm gắn liền tên tuổi ông - được đăng trên tạp chí Tri Tân.
Ngoài khắc họa sự nghiệp sáng tác, ấn phẩm cho thấy hành trình tham gia các hoạt động yêu nước, xã hội, phong trào truyền bá Quốc ngữ, Văn hóa Cứu quốc của Nguyễn Huy Tưởng, giúp người đọc hình dung về đất nước thời chiến.
Xen kẽ công việc, tình cảm của ông dành cho vợ con cũng được thể hiện qua những lời văn giàu cảm xúc, như: ''Tôi yêu vợ tôi đến một cái trình độ mà tôi không sao tưởng tượng được. Tôi cầm cái nón của vợ, tôi thấy rung động tâm hồn, như cái nón còn đượm ít nhiều sinh khí của vợ tôi''; ''Về thăm con. Hiền trông kháu, và vợ đã khỏe. Con hơi xanh, nhưng yêu quá: ẵm con".
Theo tác giả, cha ông luôn ưu tiên việc sáng tác nhưng vào năm 1957, khi đang thực hiện tác phẩm Sống mãi với thủ đô, thấy con ốm, nhà văn viết Thương Thắng ốm, chẳng viết được rồi tự trách mình để con bị sốt. Nguyễn Huy Thắng cho biết tình thương của cha trở thành điểm tựa tinh thần, động lực giúp ông vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống.
Là diễn giả tại sự kiện ra mắt sách hôm 24/4, tiến sĩ văn học Đỗ Thanh Nga nhận định bên cạnh những trăn trở với nghề, cố nhà văn bộc bạch về lẽ sống, cách đối nhân xử thế. Tiến sĩ cho biết qua nhật ký, bạn đọc tìm thấy loạt câu chuyện, nhân vật có thật trong lịch sử, bao quát toàn diện bức tranh xã hội thời kỳ 1930-1945.
![Nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Huy Tưởng. Ảnh: Tư liệu](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2024/04/25/z5381227453402-ad2487db2c4bf80-3893-2149-1714012365.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TJ3KIfnu8fncQlqqA_V8qw)
Nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Huy Tưởng. Ảnh: Tư liệu
Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) tham gia nhóm Văn hóa Cứu quốc, trở thành người lãnh đạo chủ chốt của Hội Văn hóa cứu quốc sau Cách mạng tháng Tám. Ông là đại biểu Quốc hội khóa một năm 1946, là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, sáng lập và giữ chức giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng.
Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 1996. Sự nghiệp sáng tác của nhà văn ghi dấu ấn với nhiều tiểu thuyết, như Đêm hội Long Trì, An Tư công chúa, Sống mãi với thủ đô, Lá cờ thêu sáu chữ vàng. Là nhà viết kịch, Nguyễn Huy Tưởng để lại nhiều kịch bản có sức sống lâu bền, có thể kể đến Vũ Như Tô, Bắc Sơn, Lũy hoa.
Phương Linh