Đỗ Nhật Nam, cậu bé Việt Nam 13 tuổi là đại diện cho châu Á tham dự hội nghị chủ đề "Khoa học về nụ cười" tại Mỹ mới đây, với tư cách diễn giả.
Những tràng vỗ tay vang lên khi cậu bé bắt đầu bài nói chuyện của mình bằng cách nói tiếng Anh lưu loát: "Vâng, những đứa trẻ chúng ta cười mỗi ngày. Chúng ta cười khi chú chó liếm lên mặt. Ta khúc khích khi nhận được một món quà bất ngờ. Đôi khi, nụ cười có thể đến từ những thứ vô cùng đơn giản như chiến thắng trong trò chơi điện tử hoặc nghe tiếng mưa rơi tí tách ngoài hiên. Tất cả những thứ cảm xúc ấy đều có thể tạo thành tiếng cười...".
Cậu bé tiếp tục đưa ra cơ chế bộ não sinh ra nụ cười, sau đó dẫn dắt bài nói chuyện đi đến nội dung quan trọng hơn là làm sao để cười nhiều hơn mỗi ngày. Âm thanh trầm bổng, cách liên tục biến hóa chất giọng của cậu bé khiến bài nói chuyện thêm phần lôi cuốn: "Ngày xửa ngày xưa, có một cậu bé ở một nơi xa xôi ôm giấc mơ được gọi là 'Mỹ'. Với cậu ấy, vùng đất này là một nơi của những điều kỳ diệu và hấp dẫn, một thế giới của những cơ hội, một chân trời rộng lớn đang chờ cậu khám phá. Với sự giúp đỡ của bạn bè và gia đình, chỉ hơn một tháng trước đây giấc mơ của cậu đã thành sự thật... (xem đầy đủ bài tham luận).
Kết thúc vấn đề, Nam mong muốn mỗi người hãy cười ít nhất 5 lần mỗi ngày. Đừng tiếc tặng nụ cười cho một người bạn mới, cho bác bảo vệ, cười lớn khi đi học về và ôm cha mẹ thật chặt...
Video: Đỗ Nhật Nam nói chuyện về nụ cười trên nước Mỹ
Giây phút chứng kiến con trai đầy tự tin trên sân khấu, ở nửa kia địa cầu vợ chồng chị Phan Hồ Điệp và anh Đỗ Xuân Thảo không kìm được nước mắt. Chị Điệp chia sẻ: "Những gì Nam làm được chưa nhiều nhưng đó là nỗ lực đánh dấu bước đi đầu tiên của con trên đất khách. Nơi đó không có bố mẹ ở bên để khích lệ, định hướng".
Còn bố Nam ngay trong đêm đã viết một bức thư dài gửi con. "Ngày con phát biểu, đúng vào Halloween. Nếu được tham gia vào lễ hội đó, chắc bố sẽ hóa trang thêm đôi cánh thiên thần. Mặc kệ mọi người cười ông già lẩm cẩm, bố cứ làm thế. Bởi đơn giản một điều, khi có đôi cánh thiên thần bố sẽ bay vèo đến cạnh con để ôm con thật chặt bằng hết sức lực của bố. Để thơm con một miếng, ngon lành hơn thơm má người tình. Và để nhìn con, dài như hơi thở. Cho bõ nỗi nhớ nhung, bõ ngày tháng đợi chờ, bồn chồn da diết… (xem đầy đủ bức thư).
13 tuổi, Đỗ Nhật Nam đã gặt hái được rất nhiều thành tích. Cậu bé hai lần được trao kỷ lục Việt Nam với danh hiệu Dịch giả nhỏ tuổi nhất và Người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất. Nam giành được giải cao trong các kỳ thi tiếng Anh, hùng biện, nhiều lần đứng trên sân khấu hội thảo quốc tế...
Có được đứa con tài năng là ước muốn của bao bậc cha mẹ. Với chị Điệp, anh Thảo, họ không có bí quyết gì cao siêu trong dạy dỗ Nhật Nam. Từ khi con còn bế ẵm, vợ chồng đã thống nhất dạy Nam bằng những gì nhẹ nhàng tinh tế. Họ gọi đó là kiểu "lạt mềm buộc chặt". Khi mẹ nóng nảy thì cha phải dung hòa và ngược lại. Vợ chồng tránh nặng lời với nhau cũng như giữa bố mẹ với con.
Người mẹ nhận xét, Nam là cậu bé hiền và biết nghe lời nhưng không phải bất cứ chuyện gì cũng dễ dàng. Ngày nhỏ đến nhà ai, Nam cũng sà vào đồ chơi, miệng líu lo. Người Việt thấy trẻ con hồn nhiên như vậy thì không sao nhưng ở Nhật sẽ hơi khiếm nhã. Chị Điệp suy nghĩ và dùng những hình ảnh để dạy con. Trước mỗi hình ảnh, chị đều hỏi: "Em bé nói gì, làm gì, có ngoan không? Nếu là con, con sẽ làm gì?"... Nam rất thích thú và biết nhận xét làm thế nào trở thành một em bé lịch sự.
Nhận thấy việc giáo dục con qua những câu chuyện thế này rất hữu ích nên vợ chồng chị Điệp thường xuyên dùng truyện, thậm chí là cả truyện do hai bố mẹ tự sáng tác để phù hợp với những đề tài dạy Nam. Thông qua đó, họ dạy Nam những quy tắc cư xử như trong bàn ăn, đến lớp học, tư thế nằm ngủ, cách sắp xếp đồ đạc... Cách học mà chơi này kéo dài suốt tuổi thơ của Nam. Cậu bé học nhẹ nhàng, vui vẻ mà vẫn hiểu thông điệp bố mẹ muốn gửi gắm.
Họ cũng áp dụng trò chơi vào cách dạy con từ việc học tiếng Anh đến nhận biết cuộc sống. Ví như để dạy Nam biết những đồ vật có thể gây nguy hiểm, chị cho con chơi trò "điện giật". "Mình làm mô phỏng những đồ vật như ổ cắm, bàn là cắm điện, phích nước và quy ước đồ vật nào là 'hiền', cái nào 'dữ'. Nếu động vào đồ 'dữ' sẽ bị 'giật', đồng nghĩa với thua cuộc", chị nói. Vừa chơi vừa giải thích cho con sao đồ vật ấy lại "dữ". Vì thế những lúc không có người lớn, bố mẹ vẫn hoàn toàn yên tâm Nam biết tránh xa đồ nguy hiểm.
"Mọi người thường quan niệm muốn dạy con tốt là phải đòn roi, phải nghiêm khắc. Không dám bàn đúng hay sai nhưng mình luôn muốn cho con một tuổi thơ êm đềm, nơi đó tràn ngập tiếng cười và thấm đẫm tình cha nghĩa mẹ", chị bộc bạch. Nhiều năm qua cả hai vợ chồng thường tặng thơ cho Nam (Nam cũng tặng thơ lại bố mẹ), lúc để đầu giường, khi đặt vào cặp sách. Họ từ bỏ "quyền lực" của cha mẹ để làm một người bạn gần gũi với con.
Khi con còn bé, bố mẹ cũng thường rèn cho Nam tư duy phản biện. Điều này giúp Nam thể hiện chính kiến của mình trong mọi chuyện mà vẫn đảm bảo chuẩn mực văn hóa giao tiếp. Ví dụ, bố mẹ muốn con dừng xem phim nhưng nếu cậu bé đưa ra 3 lý do thuyết phục được bố mẹ thì sẽ cho phép xem tiếp. Năm học lớp 3 Nam đưa ra các lý do ngộ nghĩnh, lên lớp 5 em đã biết phân tích nội dung bộ phim để từ đó thuyết phục mẹ.
Giờ đây 13 tuổi, chính kiến của Nam đã vượt cả bố mẹ. Hiện Nam là học sinh lớp 8, trường Saint Paul (Mỹ), đã rời bố mẹ với tổ ấm gia đình để đi du học. Em dành thời gian nhiều nhất cho học hành. Bên cạnh đó, cậu bé cũng đang có những bước chuẩn bị gấp rút cho việc xuất bản số đầu tiên một tờ báo tuổi teen châu Á, do Nam làm tổng biên tập. Cậu bé rất hứng thú với công việc mới mẻ này.
Thành tích của cậu bé Đỗ Nhật Nam: - Đạt điểm tuyệt đối trong các kỳ thi của trường Đại học Cambridge: Starter, Movers, Flyers ( 15/15) (năm học lớp 1). - Thi TOEIC đạt 940/990 điểm (năm học lớp 2). - Thi TOEFLT ITP đạt 617 điểm (năm học lớp 2). - Thi TOEFLT IBT đạt 107 điểm (năm học lớp 4). - Thi IELTS đạt 8.0 với điểm reading đạt tuyệt đối: 9.0 (năm học lớp 5). - Đạt được vô số giải thưởng tại các cuộc thi tiếng Anh, hùng biện trong nước và quốc tế. - Những cuốn sách đã dịch: Mặt trời mọc, mặt trời lặn; Nạp điện; Tôi tư duy, tôi thành đạt; Sống đẳng cấp. Những cuốn sách đã viết: Tớ đã học tiếng Anh như thế nào; Những con chữ biết hát; Bố mẹ đã cưa đổ tớ. - Hai lần được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam: Dịch giả nhỏ tuổi nhất và Người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất. |
Phan Dương