Anh Kim Phạm (Phạm Kim Cương) bén duyên với công nghệ thông tin qua các cuộc thi lập trình tại Việt Nam từ khi học phổ thông. Anh giành được học bổng Software Engineering tại Australia và học Tiến sĩ tại Mỹ.
Tại đây, anh tìm kiếm nhiều cơ hội từ các công ty công nghệ lớn như Facebook, Amazon... và trúng tuyển vào Google. Hiện, trở về nước để khởi nghiệp với sản phẩm công nghệ riêng - Cohost.AI, anh thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm hữu ích cho các bạn trẻ muốn bước vào môi trường làm việc công nghệ hàng đầu thế giới.
Trong tọa đàm trực tuyến cùng sinh viên học lập trình trực tuyến tại FUNiX, anh Kim nhận định, Covid-19 là cơ hội để lập trình viên Việt Nam tiếp cận những cơ hội làm việc không biên giới, trong đó có các tập đoàn lớn như Google ngay tại nhà.
Tìm kiếm cơ hội tuyển dụng
Theo anh, Google luôn chào đón các ứng viên tiềm năng. Khi có ý định ứng tuyển vào đây, các bạn trẻ nên chủ động, mạnh dạn tìm kiếm cơ hội.
Google công khai các vị trí tuyển dụng, bao gồm nhiều ngành nghề, vị trí khác nhau từ bậc thực tập sinh trở lên. Bên cạnh đó, các công ty tại Mỹ có chính sách không phân biệt tuổi tác, quốc tịch, màu da hay giới tính của ứng viên. Vì vậy, dù ở tuổi 16 hay 36 trở lên, ứng viên vẫn có có cơ hội vào làm việc ở Google.
Tham khảo ý kiến từ người đi trước
Lộ trình tuyển dụng vào Google cũng giống như hầu hết các công ty công nghệ khác, bắt đầu bằng vòng loại CV, phỏng vấn hay kiểm tra kiến thức và phỏng vấn trực tiếp.
Để vào Google làm việc, anh Kim Phạm khuyên các bạn trẻ nên tham khảo ý kiến từ người đi trước bằng cách tham gia các hội nhóm tư vấn. Việc có một người làm việc tại Google giới thiệu trong hồ sơ cũng giúp ứng viên được chú ý hơn.
"Hiện có khoảng hơn 300 người làm việc cho Google, cao hơn nhiều so với những năm trước. Đây là nguồn tham khảo thông tin và hỗ trợ rất tốt cho các bạn", anh nói thêm.
Luyện tập kỹ năng
Google luôn khuyến khích ứng viên rèn luyện các kỹ năng ứng tuyển. Các kiến thức này từng được nhiều người có kinh nghiệm chia sẻ, viết thành sách. Thậm chí, trước mỗi vòng phỏng vấn, công ty còn đưa ra bí quyết rèn luyện kỹ năng cho ứng viên.
Anh Kim Phạm chia sẻ: "Với lĩnh vực lập trình, bạn có thể sử dụng một số công cụ, trong đó có CodeLearn - một sản phẩm của FPT triển khai, hay trang web nước ngoài Leetcode để tham khảo".
CEO Cohost.AI cũng cho biết, Google đề cao tài năng và tư duy của ứng viên. Khi thành thạo một kỹ năng nhất định, có niềm đam mê về lĩnh vực hay khả năng giải quyết vấn đề như Toán, thiết kế đồ họa..., có thể ngồi tới 10 thậm chí 20 giờ một ngày để làm công việc đó, bạn đã là ứng viên tiềm năng của Google.
Tận dụng khủng hoảng
Từ câu chuyện của chính mình và bạn bè đang làm việc tại các Big Tech, anh Kim khẳng định, thế giới ngày càng phẳng, cơ hội vào Google hay các công ty lớn tầm cỡ thế giới rất rộng mở. Trong bối cảnh Covid-19, xu hướng làm việc từ xa gia tăng, các lập trình viên Việt hoàn toàn có thể ứng tuyển để làm việc tại nhà cho Google hay những công ty nước ngoài tên tuổi khác.
Bên cạnh các kinh nghiệm làm việc ở Google, lời khuyên về tuyển dụng và làm việc, anh Kim Phạm còn gợi mở nhiều hướng đi cho các bạn trẻ đam mê công nghệ thông tin như xu hướng ngành nghề trong mảng Trí tuệ nhân tạo, Data Science...
Ngoài ra, anh còn cho biết, nếu muốn thương lượng mức lương cao, người trẻ cần tìm hiểu kỹ về dải lương của công việc, ứng tuyển vào nhiều công ty để tăng "quyền lực đàm phán" về vấn đề này.
Độc giả theo dõi toàn bộ nội dung chia sẻ trong buổi giao lưu "Con đường trở thành Kỹ sư Google" tại FUNiX, đơn vị đào tạo trực tuyến công nghệ thông tin thuộc FPT, tại đây.
Quỳnh Anh