Thứ sáu, 20/12/2024
Thứ ba, 20/5/2014, 09:19 (GMT+7)

Con đường lát đá xanh ở quê nhà văn Kim Lân

Nhà văn Kim Lân từng ca ngợi con đường làng Phù Lưu (Từ Sơn, Bắc Ninh) trong tác phẩm của mình.

Trong truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân có nhân vật ông Hai thích khoe cái làng của mình. Ở đó, có phòng thông tin tuyên truyền rộng nhất vùng, chòi phát thanh cao bằng ngọn tre, nhà ngói san sát, sầm uất như tỉnh. "Đường trong làng lát đá xanh, trời mưa trời gió tha hồ đi khắp đầu làng cuối xóm, bùn không dính đến chân. Tháng năm, ngày mười phơi rơm, phơi thóc thì thượng hạng, không có lấy một hạt đất...". Đó là làng Phù Lưu (Từ Sơn, Bắc Ninh) nổi tiếng giàu đẹp và có con đường đá xanh cổ kính.

Phù Lưu là làng cổ của vùng Kinh Bắc. Vùng đất này còn có dáng dấp thị trấn cổ, nổi tiếng với phiên chợ Giầu.

Theo ông Lê Trần Thúy (80 tuổi), ban đầu dự án đường làng đá xanh là của làng Đình Bảng (Từ Sơn), nhưng làng Đình Bảng dừng kế hoạch này. Chính cụ Hoàng Thụy Chi, Tổng đốc Bắc Giang, người làng Phù Lưu, đã đứng ra vận động dân làng quyên góp để xây con đường này.

Đá xanh được chuyển từ Đông Triều, Quảng Ninh về. Thời đó, tiền mua và chi phí lát một viên đá xanh mất 5 hào, tương đương khoảng 30 kg gạo. Trục đường chính gồm 4-5 hàng đá, mỗi viên có kích thước 50x50 cm. Hai bên đường có nhiều hàng gạch xếp sát nhau, dựng đứng. 

Từ trục đường chính còn có những con đường hai hàng gạch dẫn đi khắp ngõ trong làng. Hơn 10 năm thi công, Phù Lưu mới hoàn thành được con đường đá xanh có chiều dài khoảng 2.000 m.

Con đường đá xanh được thi công theo lẽ tự nhiên của mô đất, chỗ nào thấp thì đặt đá thấp, chỗ cao đặt cao. Lòng đường chịu lực nhô cao, rồi thoai thoải sang hai bên. Trời mưa, nước tự rút mà không cần hệ thống tiêu thoát.

Từ năm 1949 đến 1954, nơi đây bị Pháp chiếm đóng. Xe cơ giới, xe quân sự của địch đi lại nhiều, làm con đường hư hỏng đáng kể. Năm 2007, một số ý kiến đưa ra nên thay bằng con đường rải nhựa mới, song đa số người dân kịch liệt phản đối. Họ muốn giữ lại con đường đá xanh đẹp, độc nhất và trường tồn này.

Chính quyền đã cho sửa sang lại con đường, tháo dỡ một số đoạn hư hỏng nặng. Số viên đá thừa được mang ra lát ở cổng đình.

Ngôi làng và con đường bình yên là nguồn cảm hứng của nhiều văn, nghệ sĩ thành danh người Phù Lưu. Nó đã song hành cùng tuổi thơ của bao người, nâng bước tuổi già của bao thế hệ, và càng ngày càng xanh biêng biếc, mềm mại, óng ả hơn.

Đến Phù Lưu có cảm giác như đi giữa một thành phố nhỏ, nhà cửa san sát, sầm uất. Những chợ lớn, cầu hàng ngày xưa không còn nữa nhưng vẫn lưu lại trong các địa danh đường làng, ngõ xóm. 

Cả làng có 10 xóm, trong đó có nhiều xóm phân theo chức năng kinh tế như xóm Phố Trên, Phố Dưới, xóm Giếng Chợ, Cổng Dền. Sự giàu đẹp được phô ra từ cổng làng, ngõ xóm, đình chùa, đền, miếu, các công trình công cộng. 

Không chỉ là một làng chợ điển hình, Phù Lưu còn là một làng cổ với cư dân nông nghiệp. Những người buôn bán thường ở giữa làng, trong khi người dân nghèo tập trung ở rìa làng, thuộc xóm Ngõ Mái.

Phù Lưu còn là một làng có truyền thống khoa bảng. Nơi đây đã sinh ra nhiều tên tuổi lớn như nhà báo Hoàng Tích Chu, nhà văn Kim Lân, NSND Nguyễn Đăng Bẩy, nhạc sĩ Hồ Bắc, họa sĩ Thành Chương, giáo sư sử học Phạm Xuân Nam, giáo sư ngữ văn Chu Xuân Diên, giáo sư toán học Hồ Bá Thuần... Bấy nhiêu năm qua, "cái chòi phát thanh cao bằng ngọn tre" của Kim Lân, vẫn đều đặn vang lên vào lúc 19h30 mỗi ngày, nhắc nhở con cháu trong làng ngồi vào bàn học. 

Cũng trong thời gian làm đường, cụ Hoàng Thụy Chi còn cho sửa sang lại đình Phù Lưu. Trước đó, đình có nền gỗ, đã hư hại và được thay hoàn toàn bằng đá xanh. Ngôi đình này sử dụng tới cả nghìn phiến đá to, dày. Nếu như đường làng đã bị thời gian bào phẳng phiu thì những khối đá ở đây vẫn còn bề mặt sần sùi.

Phan Dương