Tôi xin chia sẻ chút ý kiến cá nhân để có thể phần nào định hướng cho bước đi của các thương hiệu điện thoại Việt mà tiêu biểu là Bphone của Bkav.
Có lẽ ai cũng hiểu hầu hết smartphone thương hiệu Việt hiện nay đều là "mác Việt ruột Tàu". Do vậy, bài viết chỉ đề cập đến Bphone, một sản phẩm có thể coi là smartphone thuần đầu tiên của Việt Nam. Theo tôi, Bkav là hãng điện thoại Việt có tiềm năng nhất để cạnh tranh sòng phẳng với các hãng quốc tế khác, ít nhất là ở thị trường trong nước. Dĩ nhiên chỉ là "có thể" vì Bphone sẽ thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó một trong những điều quan trọng nhất chính là hướng đi trong thời điểm thị trường smartphone gần đến mức bão hòa với sự cạnh tranh khốc liệt của các thương hiệu khác trên thị trường hiện nay.
Trước tiên, có thể thấy phần nào Bphone đã thành công và nhận được phản hồi tích cực của người tiêu dùng như thiết kế đẹp, màn hình xuất sắc, nhiều tiện ích thông minh, hiệu năng khá tốt... Tuy nhiên, máy vẫn có một vài nhược điểm khiến khách hàng không hài lòng như khung kim loại yếu nên dễ bị nứt vỡ kính khi va đập, camera chưa xuất sắc như những gì được công bố, pin tụt khá nhanh hay BOS chưa xứng đáng gọi là hệ điều hành riêng, giá vẫn còn cao so với mặt bằng chung thu nhập người Việt Nam...
Vì vậy, với tinh thần ủng hộ hàng Việt tôi xin đưa ra một số giải pháp để góp ý cho sự phát triển của Bphone trong tương lai như sau:
Đối với sản phẩm Bphone
Sản phẩm là yếu tố tiên quyết để quyết định sự thành công của một thương hiệu, công ty. Ta sẽ cùng đánh giá một số yếu tố chính về sản phẩm Bphone.
Thiết kế
Bphone có thiết kế đẹp tuy không đến mức nhất nhì thế giới nhưng cũng chẳng kém cạnh là bao so với các siêu phẩm hàng đầu. Vấn đề đáng quan ngại nhất ở đây là khung viền kim loại yếu, lại giấu vào trong 2 mặt kính để đảm bảo thiết kế phẳng nên Bphone dễ dàng bị tổn thương khi va chạm, rơi rớt. Có lẽ Bphone nên học hỏi Pantech với sản phẩm Sky A870 có viền kim loại siêu mỏng vừa sexy vừa cứng cáp và đặc biệt bảo vệ điện thoại rất tốt khi va đập. Dĩ nhiên, làm được như vậy không phải là dễ và tôi tin chắc Bphone 2 hay thậm chí Bphone 3 cũng chưa chắc làm được. Có thể coi đây là định hướng dài hạn vì các hãng smartphone rất lười thay đổi thiết kế của mình, đặc biệt lại là các hãng mới như Bphone.
Thứ hai, Bphone rất giống iPhone 4 và 4s, ngoài màn hình to hơn và cạnh trên vát cong kiểu Oppo Find 7 thì các yếu tố khác như loa thoại, cảm biến, camera đều giống sản phẩm của Apple. Hãng nên có chút sáng tạo khác đi thay vì nhái nhiều đặc điểm thiết kế như vậy.
Một vấn đề nhỏ thôi nhưng tôi thấy con ốc vít của Bphone hơi to và thô, mong rằng các thế hệ sản phẩm tiếp theo sẽ nhỏ nhắn và xinh xắn hơn. Ngoài ra máy cần hoàn thiện tốt hơn nữa vì vẫn yếu thế nếu so với các hãng khác như Apple, Sony, HTC.
Màn hình
Thực sự màn hình của Bphone khá xuất sắc nên hãng nên tiếp tục phát huy điều này thay vì chạy đua công nghệ với các hãng điện thoại khác với công nghệ 2K hay 4K chỉ làm giảm hiệu năng, tốn pin thêm.
Camera
Đây thật sự là vấn đề nan giải. Về cơ bản, Bphone có một camera khá tốt. Tuy nhiên do Bkav đã "nổ" hơi quá đà khi so sánh Bphone chụp ngang với hai siêu phẩm chụp ảnh hàng đầu thế giới là Galaxy S6 hay iPhone 6 làm cho người tiêu dùng kỳ vọng quá lớn vào sản phẩm, dẫn đến việc bị so sánh, bới móc hay thậm chí là dìm hàng khi máy được phát hành.
Dù Bphone đã cố gắng cập nhật phần mềm để chỉnh sửa chất lượng ảnh chụp nhưng nói thực, hãng có cố gắng sửa kiểu gì đi nữa thì chất lượng ảnh chụp của Bphone cũng không bao giờ bằng hai gã khổng lồ kia, ít nhất với bản Bphone đời đầu này.
Tôi xin nhấn mạnh là với những nhu cầu chụp hình cơ bản thì Bphone vẫn là một smartphone chụp ảnh tốt. Mong rằng Bkav tiếp tục cố gắng cập nhật phần mềm để máy chụp được tốt hơn. Các thế hệ tiếp theo hãng nên thay cảm ứng từ Sony và có những công nghệ tiên tiến để biến Bphone trở thành camera phone thực sự xuất sắc.
Thời lượng pin
Dù có màn hình chỉ 5 inch và pin lên tới 3.000 mAh nhưng thời lượng pin của Bphone thật sự là đáng thất vọng. Nguyên nhân có thể do máy nóng, hoạt động vẫn chưa ổn định nên pin xuống nhanh như "tụt quần" vậy. Khắc phục được tình trạng thời lượng pin kém nên là ưu tiên hàng đầu của hãng hiện nay và tôi tin vấn đề này có thể giải quyết trong thời gian một vài tháng tới.
Phần mềm
Bkav rất tự hào khi phát triển ra hệ điều hành BOS, nhưng đây thực chất chỉ là các launcher được hãng tùy biến trên Androi 5.1. Nhìn chung, hãng có nhiều tính năng hay, hỗ trợ tốt cho trải nhiệm của người tiêu dùng. Có thể thấy Bkav đã đầu tư nghiêm túc về phần mềm trên Bphone và tạo ra trải nhiệm người dùng rất tiềm năng. "Tiềm năng" là bởi BOS vẫn còn những hạn chế hay lỗi không đáng có. Hãng cần nghiên cứu và phát triển hoàn thiện hơn nữa để đem lại trải nhiệm thật tốt cho người tiêu dùng.
Hiệu năng
Nhiều bạn chê bai dòng chip của Bphone lỗi thời, mang cấu hình của flagship năm ngoái. Tuy nhiên tôi xin nhấn mạnh một số điều về chip của Qualcomm như sau:
Thứ nhất, chỉ cần chip Snapdragon 800 là đã có thể đáp ứng tốt tất cả các ứng dụng trên CH Play, còn Bphone dùng 801 AC là chip mới và mạnh nhất trong dòng chip 801 (có 3 dòng). Tính ra nó chỉ thua kém hiệu năng một chút so với 805 và con số "một chút" ấy hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Thứ hai, rất may là Bphone không dùng chip Snapdragon 810, giá thì đắt hơn mà kết hợp với sản phẩm dễ bị nóng trong người bởi thiết kế viền nhôm và hai mặt kính thì chắc chắn Bphone sẽ thất bại thảm hại. Thực tế, chip 810 năm nay (tiêu biểu là Z3+ hay M9) hiệu năng còn thấp hơn 801 do quá nóng. OnePlus 2 bớt nhiệt thì hiệu năng lại thấp hơn Z3+ do phải giảm xung, chưa kể là cảm ứng máy phản hồi chậm. Không hiểu sao đây lại được coi là "sát thủ iPhone" và được đặt hàng tới hơn một triệu máy trong vòng 3 ngày. Nếu ai có ý kiến chê bai Bphone và tung hô OnePlus 2 thì nên xem lại.
Về cơ bản hiệu năng của Bphone vẫn tốt, phản ứng nhanh, mượt mà (dù không thể bằng các siêu phẩm đình đám như LG G4 hay Galaxy S6, S6 edge) và khả năng quản lí RAM tốt. Thế hệ tiếp theo, Bphone đương nhiên phải dùng dòng chip khác và không nhất thiết chỉ từ Qualcomm, Bkav có thể học hỏi các hãng khác trong việc tung ra nhiều phiên bản dùng chip khác nhau như Mediatek, Exynos...
Giá
Đây có thể coi là vấn đề nan giải của Bphone hiện nay. Giá sản phẩm bị người tiêu dùng đánh giá là cao. Nếu giữ giá thì khó tiếp cận người tiêu dùng còn giảm giá thì cũng tệ hại không kém. Bphone là một sản phẩm, thương hiệu công nghệ chứ không phải mớ rau ngoài chợ mà thích giảm bao nhiêu cũng được. Nếu hạ giá đợt đặt hàng tiếp theo thì chẳng khác gì Bphone đã "tát thẳng vào mặt" các khách hàng mua hai đợt đầu tiên - những người tin tưởng và ủng hộ Bkav nhất. Bạn thử hình dung xem mình mới mua một điện thoại mà thời gian ngắn sau nó đã giảm giá thì bạn có bực mình không? Giảm giá đồng nghĩa với việc giảm giá trị thương hiệu. Do vậy, Bphone giữ giá của sản phẩm là hợp lý bởi:
- Công ty đã mất 5 năm để tạo ra Bphone. Đây là mồ hôi, công sức và chất xám của toàn bộ công nhân viên của công ty.
- Bphone nhập khẩu linh kiện từ những thương hiệu uy tín trên thế giới, và cái gì cũng có giá của nó. Smartphone tốt không chỉ cần RAM, chip, cảm biến camera mà cần rất nhiều linh kiện khác. Tôi thấy có nhiều bạn so sánh Bphone với các sản phẩm cùng cấu hình khác, mà tiêu biểu là Xiaomi 4. Về chip, RAM và màn hình có thể tương đương nhưng các linh kiện khác tôi tin chắc của Bphone cao cấp hơn Xiaomi 4, như bản mạch mạ vàng hay kính saphire để chống xước cho camera. Chưa kể Bphone là hàng chính hãng, nếu so hàng chính hãng thì chỉ có Sky 910 là đối thủ đáng gờm nhất nhất của Bphone.
- Số tiền của Bkav đầu tư là rất lớn và đương nhiên cần có giá cao sẽ nhanh thu hồi vốn và tái đầu tư tiếp tục sản xuất.
Do đó, công ty sử dụng chiến lược hớt váng thị trường, định giá sản phẩm cao là hoàn toàn hợp lý để nhanh thu hồi vốn đồng thời có thể đáp ứng đủ "cầu" từ thị trường. Giá cao như vậy mà đợt một cung không đủ cầu. Nếu giá sản phẩm thấp hơn, điều tồi tệ gì xảy ra? Tóm lại, định giá sản phẩm Bphone tuy cao nhưng hoàn toàn hợp lý.
Phương hướng ngắn hạn (trong một vài đợt hàng sắp tới), công ty vẫn nên giữ giá sản phẩm. Khi nhà máy tiếp theo chính thức hoạt động, nên có một vài chính sách khuyến mại để kích cầu người tiêu dùng (không nhất thiết là phải giảm giá đồng loạt sản phẩm) như: giảm giá cho đơn hàng lần hai, tặng sạc nhanh, giảm giá cho bao nhiêu khách hàng đặt trước hay khách hàng đặt hàng thứ bao nhiêu, phát triển kênh bán hàng trực tiếp từ nhân viên hay mở showroom riêng... Như vậy sẽ không làm giảm giá trị thương hiệu nhưng vẫn kích cầu thị trường.
Phương hướng dài hạn công ty nên phát triển đa dạng dòng sản phẩm của mình hơn. Ông Nguyễn Tử Quảng nói "Bkav không sản xuất các smartphone giá rẻ" không có nghĩa là "Bkav không sản xuất smartphone tầm trung". Theo tôi, công ty nên phát triển thêm một vài dòng smartphone tầm trung để giá dễ chịu hơn. Ví dụ máy sẽ dùng chip khác như đã nói ở trên, viền kim loại nhưng mặt lưng bằng nhựa (để tiết kiệm chi phí sản xuất), giảm RAM xuống 2G… Như vậy Bphone sẽ tiếp cận được nhiều người tiêu dùng hơn.
Về phía người tiêu dùng
Tôi thấy tuy nhiều người ủng hộ Bphone nhưng cũng không ít người ghét Bkav hay ông Quảng bởi những nguyên nhân sau:
- Tư tưởng "khiêm tốn, thật thà, dũng cảm" đã ăn sâu vào máu người Việt Nam. Ai mà phát hơi ngông hoặc tự tin có phần thái quá thì sẽ bị ghét bỏ và dìm hàng tới cùng. Nhưng trong kinh doanh thì "thật thà có mà ăn cám". Nếu không có các phát ngôn có phần "nổ" của ông Quảng thì Bphone chắc chắn không được chú ý nhiều và "phần nào thành công" như hôm nay. Hiện ông Quảng cũng bớt "ngông" và công ty đã tích cực tiếp thu những ý kiến phản hồi từ khách hàng để không ngừng cải thiện sản phẩm. Đó là động thái rất tốt và mong rằng các bạn có cái nhìn cởi mở hơn đối với anh Quảng, Bphone và Bkav.
- Thứ hai là thói ghen ăn tức ở của nhiều người, điều này chắc tôi không phải nói nhiều thêm vì có nói mãi thì cũng không thể khá hơn được.
- Do một số sai sót trong khâu đặt, nhận hàng hay lỗi phần mềm khi máy chưa ổn định nên nhiều người đã "ôm hận trong lòng" với Bphone. Điều này thật sự Bkav đã sai và mong các bạn hãy rộng lòng hơn đối với Bphone - một smartphone mới toanh lần đầu bước ra thị trường. Đương nhiên công ty cần phải chuẩn bị chu đáo hơn cho những đợt hàng hay thế hệ sản phẩm tiếp theo.
Tóm lại là người Việt tôi nghĩ các bạn nên rộng lòng và ủng hộ thương hiệu Việt nhiều hơn, không thì "không yêu cũng đừng nói lời cay đắng" và đã không biết gì thì tốt nhất đừng có mà dìm hàng.
Con đường trở thành thương hiệu quốc tế
Để trở thành thương hiệu quốc tế trước tiên cần là thương hiệu hàng đầu trong nước. Về tổng quan, tôi nghĩ Bphone chớ vội mà "đem chuông đi đánh xứ người". Bphone còn những điểm yếu cần hoàn thiện về cả phần cứng lẫn phần mềm mà không thể xử lý xong được trong một sớm một chiều. Với những góp ý ở trên mong rằng Bphone sẽ ngày càng hoàn thiện hơn.
Trong thời gian tới, tôi khuyên Bphone chỉ nên mang sản phẩm của mình sang thị trường Mỹ vì ở đây có nhiều kiều bào sinh sống và Bphone cũng từng được lên trang báo nước này. Các thị trường khác chỉ gửi ít sản phẩm giới thiệu thôi chứ đừng cố gắng quảng bá nhiều hay cố gắng thâm nhập sâu vào thị trường. Khi sản phẩm đã thực sự xuất sắc và toàn diện về mọi mặt thì mới quảng bá rộng rãi ra toàn thế giới để người Việt có thể thực sự tự hào về Bphone và biết đâu Bkav lại thành Apple, Samsung thứ hai thì sao.
Trên đây là quan điểm cá nhân của tôi. Nếu có gì không đồng ý mong các bạn hãy coment phía dưới bài báo và tôi sẽ rất cảm ơn những lời góp ý chân thành từ phía các bạn.
Vũ Đình Hiệp
Chủ đề thảo luận "Hướng đi nào cho điện thoại thương hiệu Việt" mở từ ngày 22/8 tới hết ngày 22/9. Quà tặng cho bài viết được đọc nhiều nhất: một điện thoại HTC One Mini 2 và bài viết được like nhiều nhất: một sạc pin dự phòng của Moigus dung lượng 7.000 mAh. Bài viết gửi về phuongthuy@vnexpress.net. Xem chi tiết thể lệ tại đây. |