Khi còn học đại học, tôi bỏ qua những lời khuyên ngăn của gia đình thi vào sư phạm để trở về làm giáo viên của một ngôi trường làng, để chọn cho mình một con đường đi mới, con đường ấy chỉ có tôi và niềm đam mê. Và người bộ hành trên con đường ấy đã không ít lần đớn đau khi giẫm phải gai nhọn cũng như xuôi chèo bước trên tấm thảm đỏ dài. Có những lúc tôi thực sự buông xuôi để trở về với cuộc sống hiện tại đầy bế tắc, nhưng rồi chính cái gọi là đam mê lại lay tôi dậy và thì thầm bên tai tôi rằng "quãng thời gian hiện tại chỉ là một trạm nghỉ chân cho lữ khách, chỉ đơn giản là khoảng lặng để khách bộ hành có thời gian nhìn lại quãng đường mình đã bước".
Tôi đến với tiếng Trung như một cái duyên tiền định. Năm thứ ba đại học, hùa theo lũ bạn đi học trung tâm ngoại ngữ, tôi chọn cho mình một khóa tiếng Trung rẻ tiền tại trường Đại học Hà Nội. Ban đầu tôi có thể chỉ là học cho biết, cho bằng bạn bằng bè, nhưng rồi tôi phát hiện mọi thứ dần thay đổi. Buổi học cuối của trình sơ cấp, giáo viên có hỏi cả lớp một câu mà tôi còn nhớ mãi "Các em học thêm tiếng Trung để làm gì?". Không hiểu lúc đó có một sức mạnh kỳ cục nào thay tôi mở miệng "Thưa thầy, em học thêm để trở thành phiên dịch ạ". Sau câu trả lời ấy là tiếng cười ồ lên của cả lớp khiến tôi bối rối. Thầy giáo sững người một lát nhìn thẳng vào tôi và nói "học ở trung tâm thì hơi khó đấy, sinh viên chuyên ngữ đào tạo bốn năm trên ghế nhà trường còn chưa làm được".
Câu nói đó của thầy cứ ảm ảnh tôi mãi, có thể là cả cuộc đời này và nó cũng là một động lực để tôi chứng minh rằng tôi có thể. Ngay cả đến bây giờ, tôi vẫn không tin nổi sức mạnh của niềm đam mê khiến tôi có thể thức hàng đêm dài mày mò, thậm chí ngay cả trong những giấc mơ, não bộ vẫn còn hoạt động. Tôi phát hiện ra một điều rất thú vị rằng, khi bạn có niềm đam mê và tin vào lý tưởng của mình, bạn sẽ tận dụng mọi thời gian để làm việc, ngay cả thời gian nghỉ ngơi bạn cũng có thể mang nó ra để giải trí. Sau ba tháng học trung tâm, tôi mua sách và tự học ở nhà. Có một điều rất tiện cho tôi là trường tôi học không thiếu lưu học sinh Trung Quốc, vậy nên không khó để tôi bắt chuyện và thực hành những điều học trong sách vở cũng như trong cuộc sống.
Không phải mọi thứ lúc nào cũng xuôi chèo mát mái, nhiều khi tôi cảm thấy chán nản vì học hành không mấy gì tiến bộ, thậm chí có quãng thời gian tôi cảm thấy mọi thứ như giậm chân tại chỗ, giống như tôi đang chơi trò leo cột mỡ vậy. Có thể đó là rào cản đầu tiên mà tôi vấp phải trên con đường chinh phục niềm đam mê. Không mất nhiều thời gian để tôi nhận ra một điều rằng "đó là tâm lý của người học ngoại ngữ, chỉ khi nào vượt qua nó bạn mới thực sự thắng nổi mình, và để thành công bất kỳ một lĩnh vực nào bạn cũng cần phải thẩm thấu hai chữ kiên trì".
Năm đó, trường tôi có chương trình Intership tại Singapore, nhưng tiếc rằng họ phỏng vấn tiếng Anh mặc dù Singapore là một quốc gia 70% dân số nói tiếng Trung. Gia đình tôi không khá giả cho lắm nên tôi biết việc đi Trung Quốc học là một điều không tưởng, song tôi vẫn khao khát được sống trong môi trường bản ngữ để rèn luyện và nâng cao vốn ngoại ngữ của mình. Gạt đi tất cả mọi trở ngại, tôi tự dặn mình sẽ phải có một chiếc vé đi Singapore để được vẫy vùng trong biển trời ngôn ngữ. Tiếng Anh với tôi vốn là một nỗi kinh hoàng, nhưng không hiểu một sức mạnh ma thuật nào khiến tôi vượt qua vòng phỏng vấn một cách đầy thuyết phục. Ba tháng ở Singapore là khoảng thời gian với nhiều trải nghiệm thú vị tuyệt vời, không khó để tôi bắt nhịp với cuộc sống ở nơi đây. Tôi nhận ra thứ ngoại ngữ mà tôi đang học sẽ rất có ích cho tôi sau này, nó sẽ là đôi cánh vững trãi để tôi bay cao và bay xa hơn.
Sau chuyến thực tập ngắn ngày tại Singapore, tôi trở về với những hoài bão và kế hoạch lớn hơn. Tôi tự nhủ sẽ tự lập để có kinh phí đi du học. Tôi tốt nghiệp ngành Văn học, một nghành cực khó để tìm kiếm việc làm ổn định trong thời buổi kinh tế thị trường, nhưng nhờ vốn tiếng Trung tự học tôi không mấy khó khăn để xin vào làm tại một công ty lớn của Trung Quốc với vị trí nhiều người mơ ước. Niềm đam mê ngoại ngữ mang lại cho tôi những tháng ngày ngọt ngào giống như thiên đường vậy. Nhưng rồi chặng đường nào cũng có những ngã rẽ, thành công nào cũng không là mãi mãi.
Lý trí và tình cảm, tình yêu và sự nghiệp khiến tôi phải lựa chọn. Lấy chồng, hiển nhiên tôi sẽ không được bay nhảy nữa, nhất là khi anh đóng quân ở một nơi rất xa và ít về nhà. Anh cũng muốn tôi sẽ thành công với ước mơ của mình, nhưng thời gian cho anh không còn nhiều nữa vì có thể chậm một chút thôi anh sẽ không thể có con. Chưa khi nào lý trí thắng nổi tình cảm nhưng lần này là ngoại lệ và cũng là lần đầu tiên trong đời. Cho dù tôi đã chuẩn bị trước tâm lý, nhưng vẫn không thể ngờ được rằng cuộc sống sau kết hôn lại lắm sự đổi khác đến vậy. Tôi mang bầu đúng vào thời điểm nhạy cảm ký tiếp hợp đồng lao động, những cơn nghén và cảnh báo dọa sảy khiến tôi không thể tập trung vào công việc cho dù tôi đã rất cố gắng. Và rồi một hệ quả tất yếu cũng đã xảy ra. Cả thế giới như sập xuống, tôi choáng váng khi nhận được quyết định nghỉ việc.
Những ngày sau đó, cuộc sống với tôi như địa ngục. Từ một người có sự nghiệp, danh vọng, hoài bão bỗng chốc trở thành tay trắng, trở về nhà và ăn bám vào bố mẹ chồng. Tiếng xì xèo của bà con làng xóm khiến nhiều lúc tôi muốn bỏ cái thai để được bay nhảy, rảnh nợ. Nhưng bản năng làm mẹ kìm chân tôi lại. Tôi nghĩ nhiều đến đứa con không có tội này và chợt thấy mình quá tàn nhẫn. Hằng đêm, trong mỗi giấc mơ tiếng gọi niềm đam mê và ước mơ vẫn vọng về, thôi thúc tôi phải kiên cường bước tiếp.
Một năm là khoảng thời gian không quá ngắn và cũng không quá dài để cho tôi tiếp tục trau dồi vốn ngoại ngữ của mình và tôi tin vào tương lai phía trước rằng, một cánh cửa đầy hào quang đang chờ tôi sau chặng đường gấp khúc này. Nơi ấy tôi có gia đình và con gái dõi theo từng bước đường và đương nhiên nơi ấy tôi sẽ tiếp tục niềm đam mê của mình theo một cách khác. Con đường dẫn đến thành công đâu chỉ có một, mà là tôi chưa dám đi con đường khác mà thôi. Tôi tự nhủ và tin rằng niềm đam mê ngoại ngữ sẽ giúp tôi biến ước mơ trở thành hiện thực.
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân aViệt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Chu Mai