Thứ sáu, 31/7/2020, 11:56 (GMT+7)

Cơn động kinh bí ẩn của Ronaldo

Sự mờ nhạt của Ronaldo, sau khi trải qua vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe trước trận đấu, được xem là lý do khiến Brazil thua Pháp 0-3 ở chung kết World Cup 1998.

Ngày 12/7 vừa qua kỷ niệm 22 năm một sự kiện ám ảnh hàng triệu CĐV Brazil. Tại quốc gia Nam Mỹ này, về nhì thậm chí còn để lại cảm xúc sâu đậm hơn cả về nhất. Nếu xét trong hoàn cảnh bình thường, thất bại 0-3 trước Pháp đáng lẽ không bao giờ có thể xảy ra.

Hãy thử nhìn lại bối cảnh trước trận chung kết. Brazil đã bốn lần vô địch thế giới với lần gần nhất là năm 1994. Họ có trong tay cầu thủ hay nhất thế giới Ronaldo – người đã hai năm liền nhận giải "Cầu thủ của năm" từ FIFA dù mới 21 tuổi. Nhưng như cây viết Alex Bellos mô tả trên tờ The Guardian bốn năm sau: một sự cố đã xảy ra khỏa lấp đi trận đấu được chờ nhất hành tinh, nhanh chóng vươn khỏi tầm vóc một sự kiện thể thao để trở thành một trong những chủ đề quan trọng nhất lịch sử đương đại của Brazil.

Chỉ vài tuần sau trận đấu, một luật sư đã đệ đơn kiện dân sự đòi hỏi những lời giải thích cụ thể, trong khi Hội đồng y khoa Rio de Janeiro chất vấn đội ngũ bác sĩ của đội tuyển. Chính phủ Brazil mở cuộc điều tra về lý do tại sao Ronaldo lên cơn động kinh đúng ngày diễn ra trận đấu, tại sao anh bị loại khỏi đội hình xuất phát rồi lại được ra sân từ đầu, tại sao Brazil chơi tệ đến vậy...

Vài năm sau, hậu vệ trái Roberto Carlos kể lại trên ESPN: "Sức ép dồn dập bổ xuống đầu Ronaldo và cậu ấy không thể ngừng khóc. Một chàng trai 21 tuổi, là cầu thủ hay nhất thế giới và bị vây quanh bởi những bản hợp đồng và áp lực. Sớm muộn gì cũng sẽ có biến cố nào đó. Và điều đó lại xảy ra đúng vào ngày diễn ra trận chung kết World Cup".

Đường tới trận chung kết

World Cup 1998 là giải đấu của nhiều thứ đầu tiên: bàn thắng vàng, trọng tài thứ tư với bảng điện tử và thẻ đỏ trực tiếp cho lỗi xoạc sau. Chỉ một điều không đổi: Brazil là ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch, ngay cả khi những đội bóng lớn như Argentina, Anh, Hà Lan, Đức, Italy và Tây Ban Nha đều góp mặt tại kỳ World Cup đầu tiên có 32 đội.

Không phải ngẫu nhiên mà Brazil được đánh giá cao. Họ là nước duy nhất tính tới 1998 từng vô địch ở một châu lục khác, khi cầu thủ tuổi teen Pele giúp đội nhà đăng quang tại Thụy Điển tròn 40 năm trước đó. Không chỉ là ĐKVĐ World Cup 1994, Brazil còn vô địch Copa America và Confederations Cup đầu tiên được tổ chức tại Saudi Arabia năm 1997. Trong trận chung kết trước Australia, Brazil hủy diệt đối thủ với tỷ số 6-0, trong đó cặp tiền đạo Ronaldo và Romario mỗi người ghi một hattrick. Đó là còn chưa kể tới HC đồng bóng đá nam Olympic 1996 tại Atlanta.

Ngay cả thành phần sang Pháp cũng mang đậm tính chất "chân mệnh thiên tử". HLV trưởng Mario Zagallo từng góp mặt trong cả bốn chức vô địch của Brazil trước đó: hai lần với tư cách cầu thủ tại Thụy Điển 1958 và Chile 1962, một lần là HLV trưởng tại Mexico 1970 và lần còn lại trong vai trò cố vấn cho Carlos Alberto Parreira tại Mỹ 1994. Đội hình của Zagallo có cặp trung vệ Junior Baiano và Aldair án ngữ trước khung thành Claudio Taffarel. Ở hai hành lang cánh là cặp hậu vệ công hay bậc nhất lịch sử Carlos - Cafu. Tuyến giữa được án ngữ bởi hai cầu thủ đang chơi bóng tại Nhật Bản César Sampaio và Dunga.

Ronaldo là tiền đạo số một thế giới khi đến với World Cup 1998.

Điểm nhấn nằm ở hàng tấn công với những hảo thủ Rivaldo, Leonardo, Denilson, Bebeto và Ronaldo. Romario bị loại khỏi danh sách đi Pháp, song vẫn còn chỗ cho Edmundo - người vừa phá kỷ lục ghi bàn tại giải Brazil với 29 bàn sau 28 trận và nhận tới... bảy thẻ đỏ. Bất lợi lớn nhất với Brazil có lẽ là việc phải chơi trên sân khách.

Ở chiều ngược lại, Pháp dường như chỉ có lợi thế lớn nhất là sự ủng hộ của khán giả nhà. Họ chưa từng vô địch World Cup, và sau kỷ nguyên của Michel Platini - với hai lần vào bán kết World Cup 1982 và 1986 cùng một chức vô địch Euro 1984, Pháp hai lần không thể vượt qua vòng loại. Họ cũng thất bại trong việc giành vé tới Euro 1988 và bị loại ngay từ vòng bảng Euro 1992. Phải tới Euro 1996, mọi thứ mới được cải thiện khi Pháp vào tới tận bán kết trước khi thất bại trong lượt luân lưu với CH Czech.

World Cup 1998 là một cơ hội khác cho HLV Aimé Jacquet – người thường xuyên bị chỉ trích bởi lối chơi thiên về phòng ngự. Nhìn vào danh sách tuyển Pháp, sự cẩn thận này có thể hiểu được bởi những nhân tài hàng thủ. Khung gỗ của Fabien Barthez được bảo vệ bởi Bixente Lizarazu, Lilian Thuram, Laurent Blanc và Marcel Desailly. Trước mặt họ là Didier Deschamps, Emmanuel Petit và Christian Karembeu, trong khi vai trò kiến thiết được giao cho Zinédine Zidane và Youri Djorkaeff. Ở vị trí tiền đạo, Jacquet chọn cách xoay vòng giữa Thierry Henry, Christophe Dugarry và Stéphane Guivarc’h. Trên ghế dự bị, Pháp có những cái tên như Robert Pires, Patrick Vieira, Alain Boghossian, Frank Leboeuf, David Trezeguet, Bernard Diomède và Bernard Lama.

Những cái tên kể trên đại diện cho sự đa văn hóa, sắc tộc của "đội quân cầu vồng". Vài ví dụ có thể kể ra: siêu sao Zidane gốc Algeria, Djorkaeff, Boghossian mang dòng máu Armenia, Lizarazu là người Basque, Vieira sinh ra tại Senegal, Desailly chào đời tại Ghana, Trezeguet có cha là người Argentina, hay Henry có mẹ đến từ Martinique, Thuram gốc Guadeloupe, Karembeu sinh ở Tân Caledonia ...

Theo Four Four Two, vài ngày trước trận ra quân, Jacquet tuyên bố với các cầu thủ tại Trung tâm Clairefontaine: "Tôi muốn tất cả chúng ta đồng lòng với nhau. Chúng ta cần sự tập trung. Tôi không nghĩ rằng các cậu nhận ra điều sắp xảy ra là rất quan trọng". Những đối thủ tại vòng bảng của Pháp không quá khó chơi, gồm Đan Mạch, Nam Phi và Saudi Arabia. Nhưng các cầu thủ Pháp vẫn căng thẳng tới mức "toát mồ hôi hột trên xe bus từ trước khi đến sân", theo lời Petit. Zidane cho biết buổi tập cuối cùng trước giải diễn ra trong không khí nặng nề. Huyền thoại này khẳng định: "Thành thật mà nói trước khi giải đấu diễn ra, chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng mình có thể vô địch World Cup".

Mãi đến vòng loại trực tiếp, sự tự tin mới đến với người Pháp. Desailly kể trên tờ Four Four Two: "Sau trận tứ kết với Italy, chúng tôi thực sự cảm thấy cả đất nước đang đứng sau mình. Không thể không để ý tới quang cảnh ngoài đường khi cả đội di chuyển bằng xe bus: người dân châu Phi, Algeria, Ả-rập và Morocco tràn ra cửa sổ với những lá cờ Pháp. Họ hòa cùng dòng người Pháp, hát vang những khúc ca và cùng vẽ lên mặt ba màu xanh da trời, trắng và đỏ".

Trận gặp Italy là diễn ra với loạt luân lưu sau 120 phút hòa không bàn thắng. Sau ám ảnh sút trượt luân lưu bốn năm trước, Roberto Baggio được lĩnh ấn sút đầu tiên phía Italy và thành công. Nhưng anh vẫn ở bên thua cuộc, khi đồng đội Luigi Di Biagio sút hỏng lượt cuối cùng.

Pháp chơi trầy trật trên đường tới chung kết năm 1998. Trong ảnh là khoảnh khắc Henry cùng đồng đội mừng chiến thắng bằng loạt luân lưu trước Italy tại tứ kết.

Những trận đấu của Pháp năm đó đầy kịch tính, với những người hùng bất ngờ. Tại bán kết, họ gặp ngựa ô của giải là Croatia – đội tuyển mới chỉ gia nhập FIFA từ năm 1992 và lần đầu dự World Cup. Đội quân của Miroslav Blažević không thiếu anh tài: từ Igor Štimac, Slaven Bilić, Dario Simić, Zvonimir Boban cho tới vua phá lưới Davor Šuker. Màn trình diễn đỉnh cao của họ tới tại tứ kết với chiến thắng 3-0 trước tuyển Đức.

Trước Pháp ở bán kết, Croatia mở tỷ số từ phút 46 nhờ công Suker. Nhưng một người hùng không ai nghĩ đến xuất hiện: Lilian Thuram. Cầu thủ này ghi liền hai bàn, mang về chiến thắng 2-1 cho đội nhà. Đó là lần đầu tiên và duy nhất Thuram ghi bàn trong tổng số 142 trận khoác áo đội tuyển.

Về phần mình, Brazil cho thấy thực lực của một ứng viên vô địch. Họ xuất phát với sơ đồ 4-2-2-2, trong đó cặp cánh Carlos – Cafu lên công về thủ, Dunga lùi sâu cùng Sampaio phân phối bóng, trong khi hàng công thường gồm bộ tứ Rivaldo – Leonardo – Bebeto – Ronaldo. Trong đó, vai trò của Ronaldo đặc biệt khác với mẫu trung phong điển hình. Thay vì rình rập đợi cơ hội trong vòng cấm, anh di chuyển rộng, thường xuyên lùi xuống vạch giữa sân để nhận bóng và kết nối hàng công.

Brazil dẫn đầu bảng A và dễ dàng đánh bại Chile 4-1 trong vòng loại đầu tiên. Họ gặp khó khăn hơn tại tứ kết khi gặp Đan Mạch, nhưng sự tỏa sáng đúng lúc của Rivaldo với một cú đúp đưa các vũ công Samba vào bán kết. Tại đây, họ đương đầu Hà Lan của Guus Hiddink. Đội ngũ bao gồm Edwin van der Sar, Jaap Stam, Frank de Boer, Ronald de Boer, Patrick Kluivert, Clarence Seedorf, Phillip Cocu, Marc Overmars, Edgar Davids và Dennis Bergkamp... là chuyên gia ghi bàn phút cuối trên đất Pháp.

Tại vòng 16 đội, Davids ghi bàn ấn định tỷ số trước Nam Tư ở phút 90+2. Đến tứ kết, Bergkamp đón bóng từ đường chuyền dài của Frank de Boer và tạo nên một tuyệt tác vào lưới Argentina ở phút thi đấu chính thức cuối cùng. Động tác đỡ bóng, loại bỏ Ayala đẹp tới mức Bergkamp khẳng định: "Bạn không bao giờ có một trận đấu hoàn hảo, nhưng với tôi, pha bóng đó đã đạt tới tầm hoàn hảo".

Kịch bản tương tự diễn ra trong trận bán kết Brazil -Hà Lan. Ronaldo đưa Brazil lên dẫn trước 1-0, nhưng cả anh lẫn Rivaldo đều bỏ lỡ những cơ hội để kết liễu trận đấu. Phút 87, Kluivert đánh đầu từ quả tạt của Ronald de Boer, khiến trận đấu phải kéo sang hiệp phụ. Sau 120 phút bất phân thắng bại, hai đội vào đá luân lưu. Cả bốn cầu thủ được giao trọng trách của Brazil đều thành công, trong khi Taffarel cản phá thành công hai cú sút của Cocu và Ronald de Boer.

Bán kết World Cup 1998: Brazil - Hà Lan
 
 

"Bố già" Zagallo xúc động đến rơi nước mắt. Brazil có trận chung kết World Cup thứ hai liên tiếp, sau hai thập niên vắng bóng kể từ chức vô địch năm 1970.

Cơn động kinh bí hiểm

Trước trận chung kết, tâm điểm những cuộc tranh cãi xoay quanh Ronaldo. Anh đã ghi bốn bàn thắng, có những pha kiến tạo cho Bebeto và Rivaldo ghi bàn. Một ngày trước trận chung kết, Jorge Valdano nhận định: "Ronaldo không tới Pháp để cạnh tranh với những cầu thủ trong thế hệ của mình mà để tìm một chỗ đứng trong ngôi đền những huyền thoại trong hai thiên niên kỷ - thiên niên kỷ hiện đại và sắp tới. Khác với sự tinh quái của đàn anh - ngôi sao vô địch năm 1994 Romario, Ronaldo mang đến sự bùng nổ. Sàn diễn của Romario là vòng cấm địa, còn với Ronaldo là cả nửa phần sân đối phương".

Tại sân tập của tuyển Pháp, các tuyển thủ hoàn toàn ý thức được họ sắp phải đối đầu với ai. Trên Youtube, đến giờ, vẫn tồn tại một đoạn video ghi hình Aime Jacquet cẩn thận dặn các học trò Ronaldo có thói quen làm động tác giả sang bên trái và ngoặt bóng sang phải chứ không phải ngược lại. Trung vệ Desailly giải thích cho các đồng đội về khả năng của Ronaldo: "Ở Milan, cậu ấy từng làm thế với tôi. Dù cậu ấy có ngoặt sang trái hay sang phải, tôi vẫn không thể thấy trái bóng. Cứ như là ảo thuật vậy".

Thế rồi thảm họa ập đến. Trong buổi chiều trước trận đấu, các cầu thủ Brazil nghỉ ngơi tại khách sạn Château de Grande Romaine. Ronaldo được xếp ở cùng phòng với anh bạn thân Carlos. Đột nhiên, Ronaldo lên cơn co giật toàn thân và sùi bọp mép. Carlos vội chạy ra ngoài kêu gọi sự giúp đỡ. Edmundo chạy khắp hành lang gõ cửa thông báo, trong khi César Sampaio nhanh trí đưa tay vào miệng Ronaldo ngăn đồng đội nuốt lưỡi.

Vài năm sau, Ronaldo kể trên The Guardian: "Tôi không nhớ chính xác mọi chuyện ngoài việc mình đi ngủ, và các bác sĩ sau đó nói rằng tôi đã bị co giật khoảng 30, 40 giây. Khi tỉnh dậy, cơn đau lan khắp cơ thể tôi. Thế rồi cơn đau đó dần dịu đi, và tôi được thư giãn một chút". Trong khi đó, theo Carlos, Ronaldo "không còn là chính mình và như mất hồn". Thủ thành dự bị Dida mô tả: "Bầu không khí vui vẻ trong khách sạn nhanh chóng biến mất khi có tin Ronaldo phải đi bệnh viện".

Ronaldo và đồng đội căng thẳng khi bước vào sân Stade de France chuẩn bị đấu trận chung kết.

Các bác sĩ tuyển Brazil quyết định đưa Ronaldo đi khám. Khi xe chở đội tuyển lăn bánh hướng về sân Stade de France, Ronaldo được đưa tới phòng khám Lilas tại Paris. Zagallo dường như cũng xác định việc mất đi cầu thủ hay nhất khi cố gắng động viên các học trò trước trận bằng việc kể lại câu chuyện tuyển Brazil từng vô địch World Cup 1962 mà không có trụ cột Pele.

Trong danh sách ra sân ban đầu, Edmundo được điền tên thay vị trí của Ronaldo. Báo giới hoàn toàn không hay biết chính xác những gì đã xảy ra, tạo nên một khung cảnh hỗn loạn khi nhận ra Ronaldo không được đá chính. Thông tin trên khiến không chỉ Brazil và Pháp còn còn làm cả thế giới bóng đá rúng động. Sau khi xác định đây không phải một lỗi đánh máy, các nhà báo trên toàn thế giới bắt đầu truy tìm sự vắng mặt của ngôi sao số một giải đấu.

Một số người được nghe tin Ronaldo gặp chấn thương cổ chân, một số khác lại bàn tán về vấn đề với dạ dày. Theo BBC, những lời đồn về sự biến mất bí ẩn của Ronaldo trải dài từ đời sống tư cho tới cả thuyết âm mưu về đầu độc. Khi chỉ còn chưa đầy một giờ trước khi bóng lăn, Ronaldo có mặt tại sân vận động. Các bác sĩ đã thử các bài kiểm tra thần kinh và nhịp tim nhằm tìm ra lý do của cơn động kinh, nhưng không ai biết nguyên do.

Ronaldo chia sẻ trên BBC năm 2014: "Tôi đã làm mọi bài kiểm tra người ta có thể nghĩ ra, nhưng tôi không hiểu và cũng chẳng ai biết tại sao điều đó lại xảy ra. Các kết quả cứ như thể không hề có sự cố nào cả. Liệu có phải do sức ép hay lo lắng không? Có thể chứ. Khi bạn hít thở bầu không khí World Cup, mọi thứ đều xoay quanh giải đấu. Bạn không thể tách rời nó và có rất nhiều sức ép. Nhưng tôi đã van xin Zagallo để được ra sân hôm ấy".

Lời thỉnh cầu đó được Zagallo đáp ứng sau khi được các bác sĩ của đội bật đèn xanh. Brazil ra sân khởi động trễ với người cuối cùng có mặt là Ronaldo. Như thể báo giới chưa đủ hỗn loạn, một bản danh sách ra sân thứ hai được Brazil công bố với tên Ronaldo được đá chính. Nhà báo John Motson hồi tưởng: "Tôi chưa từng thấy cảnh tượng nào tương tự trong sự nghiệp. Khu vực đưa tin hỗn loạn như cõi hỗn mang".

Chiến thắng lịch sử của Pháp

Ngoại trừ biến cố Ronaldo, hai đội đều ra sân với sơ đồ quen thuộc. Jacquet tiếp tục đặt niềm tin vào sơ đồ 4-3-2-1 với bộ ba tiền vệ kỷ luật Deschamps, Petit và Karembeu. Tại hàng thủ, Leboeuf thay thế Blanc nhận thẻ đỏ trong trận bán kết, trong khi ở tuyến trên, Zidane và Djorkaeff chơi sau lưng Guivarc’h.

Chung kết World Cup 1998: Brazil 0-3 Pháp
 
 

Diễn biến thực tế của trận đấu không hề một chiều như bảng tỷ số thể hiện. Hai đội có số cú sút gần tương đương nhau và Brazil cầm nhiều bóng hơn. Hai hậu vệ cánh Cafu và Carlos hoạt động năng suất, trong đó Cafu thường xuyên gây áp lực lên vị trí của Lizarazu. Tuy nhiên, sự mất tập trung của các cầu thủ Brazil được thể hiện rõ. Leonardo mắc nhiều lỗi và bị thay ra giữa giờ, trong khi Rivaldo dẫm lên bóng và ngã, tạo ra cơ hội phản công cho Pháp. Có hai tình huống Ronaldo dường như không ý thức được ai đang ở xung quanh anh.

Dưới hàng thủ, Carlos để đội nhà chịu một quả phạt góc. Từ đầu giải, những dấu hiệu đáng lo ngại đã xuất hiện với hàng thủ Brazil, khi cặp trung vệ Júnior Baiano - Aldair là mắt xích yếu, và Brazil nhận tới bảy bàn thua trên đường vào chung kết. Khi Kluivert bật lên đánh đầu gỡ hòa cho Hà Lan tại tứ kết, không ai nhảy lên cạnh tranh. Điểm yếu kèm người của Brazil đã được Jacquet chú ý, và có lẽ ông đã thầm nở một nụ cười khi Zidane đánh đầu mở tỷ số từ pha phạt góc của Petit phút 27.

Ngay cả khi phải tìm bàn gỡ, Brazil vẫn tiếp tục mắc những sai lầm. Họ đáng lẽ sẽ bị trừng phạt nhiều hơn nếu tiền đạo Pháp đá chính hôm đó không phải Guivarc’h - người không ghi nổi một bàn suốt kỳ World Cup dù là Vua phá lưới cả Ligue 1 lẫn Cup UEFA mùa 1997-1998. Những người bảo vệ Guivarc’h cho rằng anh đóng góp vào lối chơi chung nhờ sự cần mẫn và giữ bóng, nhưng thực tế vai trò của tiền đạo này trong trận chung kết rất ít. Anh có một pha giật gót đưa bóng thẳng vào chân cầu thủ Brazil, một đường tạt sai địa chỉ và một cú sút bóng thẳng về phía Taffarel.

Ít ra pha bóng đó mang về một quả phạt góc, và Guivarc’h tiếp tục gây sức ép để có thêm một quả phạt góc khác. Nhờ đó, một người không nổi tiếng với khả năng chơi đầu là Zidane hoàn thành cú đúp ghi bàn sau quả tạt từ Djorkaeff. Guivarc’h bị thay ra trong hiệp hai và trở thành tiền đạo cắm hiếm hoi trong lịch sử vô địch World Cup mà không ghi bàn nào – tương tự hậu bối Oliver Giroud hai thập niên sau đó. Về sau, Guivarc’h quả quyết mình "sẵn sàng đánh đổi 20 bàn thắng để lấy một bàn trong trận chung kết World Cup 1998". Nhưng chí ít anh đã làm được điều gì đó, dù chỉ là gián tiếp.

Trong hiệp hai, Jacquet kiên quyết không để mất lợi thế dẫn hai bàn và chuyển sang sơ đồ thiên về phòng ngự hơn khiến hàng công Brazil như húc phải tường đá. Carlos và Cafu miệt mài hỗ trợ tấn công, nhưng hàng tiền đạo thể hiện rõ sự bất lực và dễ bị bắt bài. Người hùng Ronaldo chơi bóng một cách thụ động, vật vờ và sút quá hiền khi có cơ hội trước Barthez.

Ngay cả khi Desailly bị truất quyền thi đấu trong 20 phút cuối, Brazil vẫn không thể rút ngắn tỷ số. Họ thậm chí còn dính đòn hồi mã thương từ Pháp trong những phút bù giờ, khi Petit ấn định tỷ số 3-0. Khi trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu, các cầu thủ Pháp ôm chầm lấy nhau, phấn khích trong niềm hạnh phúc vô bờ bến. Đêm hôm ấy, tình yêu nước Pháp dành cho đội tuyển là không có giới hạn. Ngay cả Tổng thống Jacques Chirac còn bông đùa với Petit: "Cậu mới là người vợ tôi muốn!".

Ronaldo được trao giải "Cầu thủ hay nhất giải đấu", nhưng nó giống như một sự an ủi. Hình ảnh vật vờ của anh trở thành biểu tượng cho một Brazil chơi dưới sức trong trận chung kết. Người Pháp vô địch thế giới lần đầu tiên và cuối năm đó, siêu sao Zidane thâu tóm cả hai danh hiệu cá nhân quan trọng: Quả Bóng Vàng châu Âu và Cầu thủ hay nhất của FIFA.

Đi tìm sự thật

Trong bộ phim Ronaldo’s Redemption do Four Four Two thực hiện năm 2018, Ronaldo kể lại ký ức hôm đó: "Khi tỉnh dậy, vây quanh tôi là các cầu thủ và bác sĩ Lidio Toledo. Họ không muốn nói với tôi điều gì đang diễn ra. Tôi đề nghị họ ra khỏi phòng để tôi có thể ngủ tiếp. Thế rồi, Leonardo bảo tôi ra vườn đi dạo và giải thích mọi chuyện. Anh ấy nói rằng tôi sẽ không thể chơi trận chung kết World Cup. Nhưng khi mọi kết quả kiểm tra y tế đều bình thường, tôi không cho HLV Zagallo một cơ hội để từ chối".

"Tôi đã ra sân, và có lẽ đã ảnh hưởng tới cả đội. Không phải ngày nào bạn cũng thấy một thứ đáng sợ như cơn động kinh ấy. Nhưng dù sao, tôi có nghĩa vụ với đất nước và không muốn bỏ lỡ nó. Tôi có danh dự và cảm thấy mình có thể ra sân. Rõ ràng đó không phải một trận đấu tốt của tôi, nhưng tôi có mặt ở đó để hoàn thành nhiệm vụ".

Sự can thiệp từ Nike là một trong những giả thuyết liên quan tới cơn động kinh bí ẩn của Ronaldo.

Hàng loạt thuyết âm mưu nảy ra liên quan tới bí mật năm 1998. Theo cuốn sách Futebol: The Brazilian Way of Life của Alex Bellos, giả thuyết được đề cập nhiều nhất là Liên đoàn Bóng đá Brazil (CBF) cùng nhà tài trợ Nike đã can thiệp để bắt Ronaldo phải ra sân dù vừa lên cơn động kinh. Nike vừa ký bản hợp đồng khủng 106 triệu bảng với tuyển Brazil năm 1996, còn Ronaldo là ngôi sao bóng đá lớn nhất của họ và bắt buộc phải thi đấu.

Nike cũng bị liên đới trong một thuyết âm mưu khác là việc Brazil "bán" chức vô địch World Cup với giá 23 triệu USD, đổi lại họ sẽ được một nhánh bốc thăm dễ tại World Cup 2002 và làm nước chủ nhà giải đấu năm 2006. Ronaldo từ chối tham gia kế hoạch này và bị thay thế bởi Edmundo. Tiền đạo răng thỏ được cho là đã đổi ý, khi Nike đe dọa rút tiền tài trợ. Dự định ban đầu là Brazil sẽ thua bởi bàn thắng vàng, nhưng do quá hồi hộp nên đã dễ dàng thua ba bàn trước Pháp – những người không hay biết về âm mưu này. Trước cả hai cáo buộc trên, Nike đều thẳng thừng phủ nhận.

Những thuyết âm mưu khác bao gồm việc Ronaldo bị Pháp đầu độc, hay anh được sử dụng thuốc giảm đau nhưng mang tới tác dụng phụ... Ngay cả Quốc hội Brazil cũng muốn tìm ra chân tướng sự việc và triệu tập những nhân chứng tới Brasilia để đối chất. Ngày 21/11/2000, HLV trưởng Zagallo phải đứng trước Quốc hội Brazil để giải thích quyết định cho Ronaldo ra sân và giữ anh suốt 90 phút.

Ông khẳng định ngay cả những bác sĩ người Pháp cũng đã tuyên bố Ronaldo đủ sức thi đấu. Zagallo lập luận: "Hãy thử tưởng tượng nếu tôi không cho Ronaldo vào sân và đội bóng vẫn thua 3-0? Người ta sẽ bảo tôi là lão gàn dở, không đưa vào sân cầu thủ hay nhất thế giới. Nên nếu có cơ hội làm lại, tôi vẫn sẽ làm như thế. Liệu có phải việc đưa Ronaldo vào sân đã khiến Brazil thất bại hay không? Rõ ràng là không. Tôi nghĩ rằng đó là một chấn thương của cả tập thể tới từ bầu không khí u ám của những gì đã diễn ra".

Các bác sĩ của đội tuyển Brazil cũng phủ nhận trách nhiệm. Lidio Toledo – người qua đời năm 2011 – cho hay: "Nếu tôi không cho Ronaldo vào sân và Brazil thua trận, chắc tôi chỉ còn đường tới Bắc Cực mà sống!". Ngay cả Ronaldo cũng bị triệu tập làm nhân chứng trong bầu không khí căng thẳng.

Anh bảo vệ mối quan hệ của bản thân với Nike và phủ nhận mọi thuyết âm mưu. Khi bị đặt câu hỏi về việc có phải anh được giao nhiệm vụ kèm Zidane trong những pha phạt góc không, Ronaldo vặn ngược lại: "Liệu điều đó có ích gì không?’. Trước câu hỏi tại sao Brazil không thể vô địch, Ronaldo có câu trả lời kinh điển: "Chúng tôi thua vì không giành chiến thắng".

Sau bao công sức điều tra, rốt cuộc Quốc hội Brazil vẫn không thể tìm ra câu trả lời. Nike vẫn giữ được thanh danh và không ai trong đội tuyển Brazil bị buộc tội. Theo Bellos, lời giải thích hợp lý nhất là Ronaldo được tiêm một liều xylocaine 10 phút trước khi xảy ra sự cố và thuốc bị vô tình bơm vào mạch máu. Ronaldo giữ quan điểm: "Chúng tôi bại trận, nhưng tôi vẫn có một chiếc cúp khác: mạng sống của chính tôi".

Ronaldo vẫn thấy may mắn vì giữ được mạng sống, dù thất bại trong việc chinh phục World Cup năm 1998.

Bốn năm sau, Brazil một lần nữa lọt vào chung kết World Cup trên đất khách. Theo CNN, lần này người bạn cùng phòng của anh là thủ môn Dida. Ronaldo không dám đi ngủ vì sợ ám ảnh 1998 lặp lại, trước khi được Dida trấn an: "Bình tĩnh đi, lần này cậu không còn ở với Roberto Carlos nữa!". Hai người ra ngoài chơi golf, đi ngủ và tỉnh dậy khoan khoái, sẵn sàng cho trận chung kết.

Tối hôm ấy trên đất Nhật Bản, Brazil lần thứ năm lên đỉnh World Cup với chiến thắng 2-0 trước Đức. Người ghi cả hai bàn là Ronaldo – Vua phá lưới giải đấu và Quả Bóng Vàng 2002.

Của Ronaldo, đã trở lại với Ronaldo.

Thịnh Joey (theo Time on The Ball)