Ngặt một nỗi cu Tí rất mê sử dụng thiết bị cảm ứng. Hễ thấy bố mẹ đi làm về là bé tỉ tê mượn điện thoại và máy tính bảng để lướt mạng, vào Facebook hoặc chơi điện tử. Chuyện không có gì to tát, cho đến hôm qua bé lỡ tay xóa mất một folder dữ liệu quan trọng của bố. Thế là bị bố đánh cho một trận nhớ đời.
Mình rất thương con nhưng cũng giận lắm. Giờ phải làm sao để dạy con? Có nên mua luôn cho cháu một chiếc máy tính để tự do chơi không? Nếu mua thì phải làm sao để quản lý con sử dụng? Mình đang rất phân vân. (Mai Trang).
Trả lời:
Chị Mai Trang thân mến,
Ngày nay việc trẻ được sử dụng những thiết bị công nghệ số từ nhỏ đã không còn là chuyện hiếm thấy trong các gia đình. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho các bậc cha mẹ là làm sao quản lý và giáo dục để con sử dụng các thiết bị này một cách hữu ích.
Đã có nhiều tình huống không may xảy ra ngoài tầm kiểm soát khiến cha mẹ đau đầu về vấn đề này. Chẳng hạn khi cho con sử dụng chung điện thoại, iPad để chơi dẫn đến làm mất dữ liệu quan trọng của cha mẹ hoặc vô tình xóa mất ứng dụng nào đó. Nghiêm trọng hơn cả là cha mẹ không quản lý tốt việc sử dụng của trẻ dẫn đến nhiều tác hại trực tiếp khi bé tùy tiện xem phim, truy cập nội dung không lành mạnh trên Intrernet. Việc nghiện xem phim, chơi game trong thời gian dài gây ảnh hưởng đến thị lực và tâm lý, ngồi sai tư thế làm ảnh hưởng đến sức khỏe...
Vậy làm cách nào để các bậc phụ huynh an tâm “trao” công nghệ vào tay trẻ để chúng có thể vừa học vừa chơi, thỏa thích khám phá thế giới mà không phải lo lắng?
Theo tôi, khi cha mẹ chọn đồ chơi cho trẻ nói chung và thiết bị công nghệ nói riêng, yếu tố an toàn phải luôn được đặt lên hàng đầu. Trước khi quyết định mua hoặc cho con tiếp cận các sản phẩm công nghệ như máy tính bảng, smartphone, máy vi tính, trước tiên cha mẹ phải tìm hiểu xem ở độ tuổi con mình đã phù hợp chưa, thời gian chơi như thế nào là hợp lý.
Bên cạnh đó, cần tìm hiểu xem loại máy nào đáng tin cậy, có các chế độ dành riêng cho trẻ mà không làm ảnh hưởng đến thiết bị của cha mẹ. Một vấn đề quan trọng cần lưu ý là trước khi đưa máy cho trẻ sử dụng, phải đảm bảo máy đã cài đặt sẵn công cụ hỗ trợ phụ huynh quản lý thời gian sử dụng cũng như những nội dung con được tiếp xúc, những ứng dụng giúp trẻ vừa học vừa chơi một cách lành mạnh.
Ngay cả khi tìm được một sản phẩm ưng ý, phụ huynh cũng không nên giao phó hẳn công nghệ cho con mà vẫn phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra và quản lý để nhanh chóng phát hiện những phát sinh ngoài ý muốn. Có như vậy, cha mẹ mới thật sự an tâm là con mình được tiếp cận với công nghệ một cách hữu ích nhất và đi đúng hướng.
Một số nguyên tắc khi cho trẻ sử dụng thiết bị công nghệ thông minh:
- Chọn lựa các sản phẩm không có cạnh sắc, bền, có thể chịu được va đập vì trẻ rất dễ đánh rơi.
- Cài đặt ứng dụng dành riêng cho trẻ để tránh làm mất dữ liệu của cha mẹ khi bé thao tác táy máy.
- Không nên cho trẻ chơi liên tục quá lâu. Hãy nhắc trẻ thư giãn mắt bằng cách “vờ” sai vặt để mắt trẻ rời màn hình máy mỗi 30 phút.
- Khuyến khích con làm điều tốt bằng cách thỏa thuận nếu trẻ làm điều tốt sẽ thưởng cho trẻ được chơi.
- Hướng dẫn trẻ ngồi chơi đúng tư thế, để màn hình xa mắt một cự ly thích hợp. Ánh sáng màn hình thiết bị cũng cần điều chỉnh vừa phải để không gây mỏi mắt.
- Cho trẻ dùng thiết bị công nghệ kết hợp cả chơi và học. Phân chia cụ thể thời gian học và chơi hợp lý, không nên để trẻ sử dụng thiết bị công nghệ chỉ để chơi.
- Không nên cho trẻ để máy lên những vùng da nhạy cảm, vì nếu chơi lâu máy nóng sẽ gây kích ứng da. Tốt nhất nên trang bị ốp lưng bảo vệ an toàn cho máy trước khi đưa cho trẻ dùng.
- Hãy thường xuyên dành thời gian ngồi cùng chơi với con để tăng thêm sự gần gũi và thấu hiểu con hơn, đồng thời hướng bé vào những nội dung bổ ích.
- Khi chơi game cùng con, đừng thể hiện thái độ thắng thua quá căng thẳng, trẻ rất dễ nhiễm và học theo.
- Điều chỉnh âm lượng phù hợp với thính giác của trẻ, không nên vặn quá lớn.
- Thường xuyên kiểm tra báo cáo về lịch sử sử dụng máy của trẻ để hiểu sở thích của bé và điều chỉnh hợp lý.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thanh Nhân
Cố vấn chương trình Giáo dục và phát triển giải pháp NAHI Kids