Ngày 5/3, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương thông tin, kết quả siêu âm thấy tinh hoàn phải lạc chỗ trong ống bẹn, dấu hiệu bị xoắn, nguy cơ hoại tử. Bệnh nhân được chẩn đoán xoắn tinh hoàn phải, chỉ định mổ cấp cứu.
Kíp phẫu thuật tháo xoắn, bảo tồn tinh hoàn cho bệnh nhân, tránh được nguy cơ hoại tử và phải cắt bỏ tinh hoàn. Hiện, sức khoẻ người bệnh ổn định.
Xoắn tinh hoàn là xoắn các cấu trúc của thừng tinh, gây cản trở dòng máu đến tinh hoàn và mào tinh, có thể gây hoại tử tinh hoàn. Đây là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây mất tinh hoàn ở nam giới. Phát hiện sớm và điều trị xoắn tinh hoàn kịp thời giúp tránh những biến chứng nghiêm trọng như hoại tử phải cắt tinh hoàn.
Thời gian vàng điều trị xoắn tinh hoàn là trong 6 giờ đầu tiên tính từ lúc có biểu hiện đau. Nếu can thiệp trước 6 giờ, 100% bệnh nhân được cứu tinh hoàn. Đến viện trong khoảng 6-12 giờ, khả năng cứu được tinh hoàn chỉ còn 50%, trong khoảng 12-24 giờ chỉ còn 20% khả năng được cứu. Đến viện sau 24 giờ thường sẽ không cứu được tinh hoàn.
Điều đáng lưu ý, do phát hiện muộn, nhiều trẻ xoắn tinh hoàn đến bệnh viện khi cơ quan này đã bị hoại tử và buộc phải cắt bỏ. Trẻ bị cắt bỏ một tinh hoàn sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản do thiếu hụt nội tiết tố nam. Thông thường với các trường hợp trên, phẫu thuật gỡ xoắn là phương pháp phổ biến và tối ưu, có thể xử lý triệt để bệnh lý, thời gian hồi phục hậu phẫu ngắn.
Xoắn tinh hoàn thường có dấu hiệu nhận biết không rõ ràng, khi trẻ được gia đình đưa tới bệnh viện thăm khám phần lớn đều ở trong tình trạng bệnh diễn biến nặng. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo các phụ huynh cần chú ý tới những sự thay đổi ở cơ thể trẻ.
Nếu bệnh nhi có biểu hiện đau bùng bìu, bẹn cần đưa trẻ đến bệnh viện khám càng sớm càng tốt để được các bác sĩ chẩn đoán và xử trí kịp thời, tránh hậu quả.
Thúy Quỳnh