Chị tôi tham gia bảo hiểm xã hội từ 6/2006 đến 5/2014. Hiện tại chồng và bố mẹ chồng chị đang nuôi hai cháu. Bố mẹ chồng chị tôi đã hơn 65 tuổi, không có nghề nghiệp.
Vũ Thị Ninh
Trả lời:
Điều 157, Điều 240 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định, lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Bên cạnh đó, Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 quy định, trong trường hợp chỉ có cha hoặc mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản.
Mức hưởng chế độ thai sản theo quy định là 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Về chế độ trợ cấp mai táng phí: Theo quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật BHXH, các đối tượng sau đây khi chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng:
a) Người lao động mà pháp luật quy định phải tham gia Bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều 2 luật BHXH và đang đóng bảo hiểm xã hội;
b) Người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội;
c) Người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc. Mức trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương tối thiểu chung.
Về chế độ tử tuất: Theo quy định tại Điều 64 Luật Bảo hiểm xã hội, các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 63 thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng tiền tuất hằng tháng:
a) Đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần;
b) Đang hưởng lương hưu;
c) Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
d) Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội quy định các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 63 của Luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần:
1. Người chết không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật này;
2. Người chết thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 64 nhưng không có thân nhân hưởng tiền tuất hằng tháng quy định tại khoản 2 Điều 64 của Luật này.
Pháp luật cũng quy định mức trợ cấp tuất một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội; mức thấp nhất bằng 3 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng.
Với những thông tin bạn nêu thì chị của bạn tham gia bảo hiểm xã hội đến tháng 6/2014 mới được 8 năm, đối chiếu với quy định của pháp luật được viện dẫn thì trường hợp của chị bạn, thân nhân không được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng mà chỉ được trợ cấp tiền tuất một lần, tiền thai sản và tiền trợ cấp mai táng phí.
Tuy nhiên theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp thì từ ngày 1/1/2009 trở đi người sử dụng lao động và người lao động mới phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy từ tháng 6/2006 (ngày chị của bạn tham gia bảo hiểm xã hội) đến trước ngày 1/1/2009 (ngày mà quy định về bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực), ngoài tiền trợ cấp tiền tuất một lần, tiền thai sản, tiền trợ cấp mai táng phí nêu trên thì thân nhân chị của bạn còn được người sử dụng lao động trả cho mỗi năm làm việc (đủ 12 tháng) nửa tháng tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi chết.
Nếu trong thời gian từ 1/1/2009 đến tháng 5/2014 mà người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm thất nghiệp cho chị của bạn thì mỗi năm không đóng bảo hiểm thất nghiệp, người sử dụng lao động cũng phải trả cho thân nhân chị của bạn nửa tháng tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi chết.
Như vậy, với những quy định nêu trên, gia đình bạn cần liên hệ với người sử dụng lao động nơi chị của bạn đã làm việc trước đó để yêu cầu làm các thủ tục chi trả chế độ theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp gặp vướng mắc, gia đình bạn có thể liên hệ với Phòng Lao động Thương binh và Xã hội của quận, huyện để được hướng dẫn cụ thể.
Luật sư Đỗ Trọng Linh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội