Sáng 23/7, trong bộ quần áo nâu, vợ chồng cụ Đỗ Văn Hợp và Nguyễn Thị An đến TAND Hà Nội từ sớm dự phiên xét xử vụ án tranh chấp đòi nhà với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Nhưng hai tiếng trôi qua, nguyên đơn, bị đơn và các đơn vị được triệu tập đều vắng mặt. Nhận định "vụ án rất phức tạp", HĐXX thông báo hoãn phiên toà lần thứ 5. Trước quyết định này, con gái cụ Hợp đứng dậy nói lớn trong phòng xét xử: "Bố mẹ tôi 88 tuổi, còn sống còn thở, ai cũng thấy. Tại sao lại phức tạp?". Níu tay con nhắc dừng lại, cụ Hợp lắc đầu, nói khẽ: "Bố mệt mỏi lắm rồi".
Theo hồ sơ vụ án, năm 1998, cụ Hợp chia 185 m2 đất tại phường Nhật Tân cho con trai cả để làm nhà, nhưng chưa làm thủ tục chính thức tặng, cho hay thừa kế. Năm 2005, ông Tiến qua đời. Vợ ông là bà Vũ Thị Viễn và hai con gái tiếp tục sống cùng bố mẹ chồng trong căn nhà 3 tầng.
Sáu tháng sau khi chồng chết, ngày 4/7/2005, bà Viễn ra phòng công chứng làm thủ tục khai nhận di sản cho bà Viễn và hai con gái, trong đó có nội dung "cha mẹ đẻ của ông Đỗ Mạnh Tiến đã chết".
Ngày 11/8/2005, hai con gái bà Viễn làm thủ tục nhượng lại toàn bộ quyền thừa kế cho mẹ. Từ đây, bà Viễn chính thức có toàn quyền sử dụng đăng ký, sang nhượng với khu đất.
Tháng 5/2015, bà Viễn làm thủ tục bán nhà đất cho vợ chồng anh Ngọc Hải và chuyển đi khỏi nhà. Cụ Hợp kể khi biết chuyện bị "khai tử" đã sốc kiến phải nhập viện. Trong thời gian chung sống và kể cả sau khi con trai mất, gia đình cụ không có mâu thuẫn với bà Viễn.
Người mua là anh Ngọc Hải nhiều lần đến đòi nhà, đất đã mua nhưng gia đình cụ Hợp không chấp thuận. Liên lạc với bà Viễn không được, đầu năm 2017, vợ chồng anh khởi kiện bà, đòi nhà và yêu cầu hủy sổ đỏ trong giao dịch với bà.
Gia đình cụ Hợp trong quá trình tham gia vụ án cũng đề nghị toà án tuyên huỷ mọi giấy tờ do bà Viễn lập ra, trả lại toàn bộ nhà và đất cho vợ chồng cụ.
Cụ Hợp sau đó cũng phản ánh UBND và cán bộ tư pháp phường Nhật Tân vi phạm pháp luật khi thực hiện xác nhận Thông báo khai nhận di sản của bà Viễn với nội dung hai cụ đã chết. "Mười năm nay tháng nào, chúng tôi cũng cầm đi nhận trợ cấp người cao tuổi, cán bộ phường không thể nói không biết chúng tôi còn sống hay đã chết", cụ nói.
Sở Tư pháp Hà Nội trả lời việc UBND phường Nhật Tân xác nhận "trong 30 ngày niêm yết công khai Thông báo khai nhận di sản tại trụ sở, Uỷ ban không nhận được đơn thư tố cáo, khiếu nại liên quan" là đúng quy định. Tuy nhiên, với trách nhiệm là cơ quan đăng ký và quản lý hộ tịch, UBND phường đã thiếu sót khi không xác minh, phản ánh thông tin sai tới cơ quan công chứng.
Giải thích lý do vắng mặt tại phiên xét xử ngày 23/7, công chứng viên và phòng công chứng liên quan đều cho biết "bận đột xuất". Bà Viễn viết thư tay gửi HĐXX, giải thích "tình hình sức khoẻ rất yếu" kèm nhiều giấy tờ điều trị để làm bằng chứng.
Vợ chồng cụ Hợp hiện đã chuyển về ở cùng con trai út. Căn nhà tranh chấp do con gái bà Viễn sử dụng. "Mong toà phân xử nhanh vụ án vì tôi chỉ còn có một lần khai tử nữa là chết thật", cụ Hợp buồn bã nói khi bước khỏi cánh cổng toà án.
Ngày mở phiên toà lần thứ 6 vẫn chưa được ấn định.
Luật Hộ tịch năm 2014 quy định: Nội dung đăng ký khai tử bao gồm: Họ, chữ đệm, tên, năm sinh của người chết; số định danh cá nhân của người chết, nếu có; nơi chết; nguyên nhân chết; giờ, ngày, tháng, năm chết theo dương lịch; quốc tịch nếu người chết là người nước ngoài.
Thông tư 04/2020 của Bộ Tư Pháp quy định: Trường hợp người yêu cầu đăng ký khai tử không có giấy tờ, tài liệu, chứng cứ chứng minh theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc giấy tờ, tài liệu, chứng cứ không hợp lệ, không bảo đảm giá trị chứng minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối đăng ký khai tử.
Thanh Lam
.