Theo UBND huyện Côn Đảo, hai loại ốc quý hiếm được phát hiện tại nhà hàng Bến Cảng trên đường Tôn Đức Thắng gồm ốc trai tai tượng vàng nghệ hay ốc đá, có tên khoa học là Tridacna crocea, số lượng 234 con, trọng lượng hơn 80 kg và ốc đụn cái, có tên khoa học là Tectus niloticus, số lượng 40 con, trọng lượng 8,2 kg.
Đây là những loài thủy sản có tên trong nhóm I, danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm theo nghị định của chính phủ.
Anh Đinh Tiến Long, kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo, cho biết các loại thủy sản nguy cấp, quý, hiếm như ốc trai tai tượng và ốc đụn được khoanh vùng bảo vệ. Những loài này thường nằm sâu trong các rạn san hô, "muốn khai thác phải đục phá san hô, gây hại nghiêm trọng cho hệ sinh thái biển", anh Long nói.
Ông Trần Thanh Huyền, Phó chủ tịch huyện Côn Đảo, cho biết huyện đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền cho người dân và du khách về việc cấm khai thác, kinh doanh, lưu trữ, tiêu thụ thủy sản quý hiếm. Đại diện UBND huyện cho rằng tới nay chủ kinh doanh nào vi phạm là cố tình, không phải vô ý.
Năm 2023, huyện Côn Đảo xử phạt nhiều chủ kinh doanh và khách có hành vi đánh bắt, tàng trữ thịt trứng vích và các loài sinh vật quý hiếm nằm trong sách Đỏ. Việc mua bán, vận chuyển thủy sản trong nhóm I vì mục đích thương mại bị nghiêm cấm. Người vi phạm bị phạt tiền hoặc xử lý hình sự tùy vào tính chất, mức độ.
Ngọc Anh, hướng dẫn viên du lịch, nói du khách đến Côn Đảo ít có nhu cầu tìm kiếm và thưởng thức các loại hải sản quý hiếm phần, đa phần từ các cơ sở kinh doanh khai thác và tiếp thị tới du khách. Việc xử phạt "là điểm tích cực cho du lịch Côn Đảo", cô nói.
UBND huyện Côn Đảo cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh thủy sản, khuyến cáo du khách không mua bán sử dụng các loài cấm, được bảo tồn trên địa bàn. "Bảo tồn đa dạng các loài sinh vật biển quý hiếm như rùa, vích, cá heo mang đến trải nghiệm tốt hơn cho du khách khi đến đảo", ông Huyền nói.
Tuấn Anh