Vừa sau Tết Nguyên đán, một nhóm người dân Côn Đảo sinh hoạt trên mạng xã hội đã đăng hàng loạt tin rao tuyển nhân sự ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn... Chỉ trong 5 ngày, vài chục đầu việc, với hơn 100 vị trí mới được rao tuyển, chủ yếu là nhân viên làm việc trong các khách sạn, resort, nhân viên nhà hàng, quán cà phê và hướng dẫn viên.
"Thông thường cao điểm du lịch của Côn Đảo sẽ bắt đầu vào tháng ba, các cơ sở mới đăng tuyển nhân sự nhiều. Năm nay, mới vừa qua Tết mà các nơi đã tranh thủ kiếm người thì 'khát' lao động có vẻ đang bắt đầu", chị Thủy, chủ cơ sở Hải sản Dương Thủy, thành viên của nhóm 'Dân Côn Đảo' nói.
Việc chiêu mộ nhân sự sôi động cả ở các resort lớn đến khách sạn, nhà nghỉ hộ gia đình. Six Senses Côn Đảo đăng tuyển từ trước Tết và nay vẫn cần thêm 7 lao động. Trong khi đó, Sài Gòn Côn Đảo Resort cũng rao tuyển 7 vị trí với số nhân sự không công bố cụ thể. Poulo Condor Resort thì đăng tin tuyển gấp 33 nhân viên mới cho 14 vị trí.
"Nhà nghỉ, khách sạn tại đây ngày càng nhiều mà lực lượng lao động có nghiệp vụ chuyên môn ít. Huyện có hỗ trợ đào tạo nhưng người đi học không nhiều và cũng không đủ đáp ứng. Lao động trẻ tuổi nên họ hay nhảy việc từ công ty này qua công ty khác hoặc ra nhà nghỉ mini làm", chị Phương Ly - Phụ trách tuyển dụng của Sài Gòn Côn Đảo Resort nhận xét.
So với đơn vị lớn, các khách sạn nhỏ tuyển chỉ từ 1đến 3 người, nhưng khá nhiều nơi rao. Cá biệt một quán cà phê thuộc nhóm lớn nhất đảo trên đường Phạm Văn Đồng cần tuyển thêm đến 32 nhân viên, bao ăn ở, có chế độ thưởng, bảo hiểm và tiền đi lại về đất liền hàng năm. Nơi nào cũng tuyển nên lao động ngày càng thiếu. Các đơn vị lớn "than thở" bị khách sạn, nhà nghỉ nhỏ hút người.
"Công ty lớn có đầy đủ chế độ và tiền thưởng nên lương không cao, còn các khách sạn nhỏ thì lương rao cao nhưng đôi khi không đủ các chế độ. Tính ra, tổng thu nhập ở các công ty lớn vẫn hơn nhưng lao động nhiều khi thích qua chỗ nhỏ vì lương tháng cao", một đại diện tuyển dụng nói.
Vừa tranh nhau hút người, các đơn vị cũng vừa trông chờ người mới ra đảo. Theo các nhà tuyển dụng, thu hút lao động từ đất liền chưa đủ hấp dẫn, nhất là với các vị trí công việc mang tính phục vụ trong nhà hàng, khách sạn, trừ hướng dẫn viên hay tài xế taxi. Lý do phổ biến là chi phí sinh hoạt tại đảo cũng không rẻ nên lao động khó gắn bó lâu dài nếu không có gia đình tại chỗ. Thứ hai là tâm lý thích làm việc trong đất liền.
Năm 2018, Côn Đảo đón hơn 286.000 lượt khách, tăng 17,31% so với năm 2017, tăng mạnh ở nhóm khách nội địa nhờ giao thông thuận tiện. Vào cao điểm, có ngày VASCO khai thác 20 chuyến bay đến đảo. Trong khi đó, tàu biển ngoài tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo với sức chở gần 400 hành khách mỗi lượt thì có thêm tuyến Sóc Trăng - Côn Đảo tần suất 4 chuyến mỗi ngày, sức chở hơn 300 hành khách mỗi chuyến.
Khách nội địa dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh năm nay nhờ thêm lựa chọn tàu cao tốc mới, tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo sức chứa 600 khách, vừa đi vào khai thác hôm 15/2. "Năm ngoái, vào những tháng cao điểm du lịch, hướng dẫn viên và tài xế taxi có thể kiếm đến 30 triệu đồng mỗi tháng. Riêng những người dọn phòng freelance thì có thể 'chạy sô' liên tục nhiều khách sạn, với giá 50.000 đồng mỗi giờ dọn", chị Thủy nói.
Viễn Thông