Khoản 2, khoản 3, Điều 586 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân như sau:
- Người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.
- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Theo Điều 584 và Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015, trẻ em dưới 15 tuổi (như trường hợp của cả hai bé) chưa đủ năng lực hành vi dân sự. Vì vậy, bố mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em sẽ chịu trách nhiệm về hành vi của con mình nếu gây thiệt hại cho người khác. Điều này được quy định rõ tại Điều 589 Bộ luật Dân sự, yêu cầu cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do hành vi của con gây ra.
Như vậy, bé 7 tuổi đánh con bạn 6 tuổi bị chấn thương sọ não thì bố mẹ của cháu 7 tuổi phải có trách nhiệm bồi thường đã được quy định cụ thể tại điều 586 Bộ luật dân sự như đã nêu trên.
Bạn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất (chi phí y tế, tổn thất sức khỏe) và tinh thần (đau đớn, tổn thương tâm lý) cho con bạn.
Trường hợp gia đình bên kia không có ý kiến gì hoặc trốn tránh trách nhiệm thì bạn có thể báo cáo vụ việc với UBND phường/xã nơi cư trú của gia đình cháu bé hoặc nơi xảy ra sự việc để có sự can thiệp. Họ có thể giúp hòa giải và yêu cầu gia đình cháu bé chịu trách nhiệm về sự việc.
Trong trường hợp không hòa giải được, gia đình bạn có thể khởi kiện ra toà án yêu cầu bồi thường các thiệt hại gia đình bạn phải chịu trong đó có cả vật chất và tinh thần.
Tuy nhiên, để đảm bảo yêu cầu khởi kiện có căn cứ thì bạn phải thu thập các chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện như camera ghi lại hành vi cháu bị đánh, ghi âm lời thừa nhận của cháu bé 7 tuổi, hồ sơ khám chữa bệnh, chi phí cứu chữa, biên bản hoà giải tại địa phương...
Luật sư Nguyễn Đại Hải
Công ty Luật TNHH Fanci