Tại buổi giám sát thực hiện chính sách pháp luật đối với giáo dục mầm non tại khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP HCM chiều 18/8, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nói nhiều trường công ở thành phố điều kiện tốt, trống chỗ nhưng công nhân lại không thể gửi con vào được, đành gửi trường tư.
Theo bà Hoa, nguyên nhân do thời gian đón, trả trẻ của các trường công không phù hợp thời gian làm việc của bố mẹ. Hiện, lương công nhân còn khá thấp, một gia đình nuôi hai con ăn học là không đủ. Họ bắt buộc phải tăng ca. Tuy nhiên, làm thêm công nhân không thể đưa đón con khi đa phần 16h30 trường trả trẻ.
Bà Đàng Thị Mỹ Hương, thành viên đoàn giám sát, nêu lý do khiến con công nhân khó vào trường công lập còn đến từ yêu cầu phải có hộ khẩu, tạm trú dài hạn, "như vậy là quá khó với lao động nhập cư, thuê trọ".
Theo bà Hương, nếu công nhân gửi con vào trường tư có chất lượng tương đương trường công, chi phí cao hơn rất nhiều. Việc này càng khiến tiền lương của công nhân teo tóp. Trường hợp bố mẹ chọn nơi có học phí bằng hoặc thấp hơn trường công sẽ không đảm bảo an toàn, lớp học chật chội. Nhiều gia đình gửi con ở nhóm trẻ gia đình, nhờ một người trong khu trọ trông giúp hoặc gửi về quê.
"Các bé phải đi học trong điều kiện không đảm bảo bởi vì cha mẹ quá khó khăn", bà Hương nói.
Tại buổi giám sát, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết trong kế hoạch tuyển sinh của các trường đều ưu tiên suất học dành cho con công nhân. Tuy nhiên, nếu là lao động nhập cư phải có tạm trú để đảm bảo các bé theo học dài hạn, "tránh nay đây mai đó, khó quản lý".
17 khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố có gần 278.000 công nhân, trong đó trên 53% là nữ và phần lớn trong độ tuổi sinh con. Hiện trong nội bộ và liền kề các khu công nghiệp có 24 trường mầm non, đáp ứng chỗ học cho gần 8.900 trẻ.
Theo bà Nguyễn Võ Minh Thư, Phó ban quản lý các Khu chế xuất – Công nghiệp TP HCM, trước đây khi xây dựng các khu công nghiệp đã không tính đến xây nhà trẻ, hạ tầng phục vụ đời sống công nhân. Khi nhu cầu gửi con của công nhân tăng lên, thành phố có điều chỉnh lấy diện tích cây xanh, đất chưa sử dụng để xây trường nhưng còn nhiều trở ngại và đến nay không còn quỹ đất nữa.
Theo bà Thư, để con công nhân được học ở các trường công lập, thành phố nên có chính sách tăng thêm biên chế giáo viên cho các trường, tổ chức xoay ca để đảm bảo thời gian làm việc của công nhân và giờ giữ trẻ.
Trong khi đó, bà Trần Thị Phương Hoa, Phó chủ tịch Hội phụ nữ TP HCM, cho hay các xóm trọ quanh các khu công nghiệp có nhiều nhóm trẻ tự phát. Một người nhận giữ 3-5 trẻ cho công nhân. Để giúp các trẻ được an toàn, trước đây thành phố phối hợp các trường sư phạm mầm non mở lớp đào tạo ngắn hạn, dạy các kỹ năng chăm sóc trẻ cho những trường hợp này. Hiện, các địa phương duy trì một cô phụ trách mầm non kết nối, hỗ trợ các nhóm trẻ ở khu dân cư.
Tại buổi giám sát, Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết đối với địa bàn đông dân và lao động nhập cư, thành phố không thể chỉ trông chờ vào trường công. Do đó nguồn lực xã hội hóa rất quan trọng trong giáo dục mầm non, đặc biệt ở các khu công nghiệp.
Ông Đức cho rằng Chính phủ cần có chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế khuyến khích đầu tư, phát triển trường mầm non ngoài công lập ở các khu công nghiệp. Chính quyền cần "luật hóa" trách nhiệm của doanh nghiệp sử dụng lao động trong đóng góp vào đầu tư trường học cho con công nhân.
Tính cuối năm học 2021-2022, thành phố có hơn 3.100 cơ sở giáo dục mầm non nhận gần 305.000 trẻ. Trong đó các địa bàn có khu chế xuất, công nghiệp như quận 7, 12, Tân Phú, Bình Tân, huyện Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh, TP Thủ Đức có hơn 770 trường và gần 1.180 nhóm lớp tư thục nhận hơn 142.000 trẻ.
Lê Tuyết