Gần như ngay lập tức, bức ảnh đó lan đi khắp thế giới. Wang viết dưới bức ảnh: "Tôi có đồng hồ mới này! Lẽ ra tôi được đeo bốn chiếc đấy, vì có bốn chân cơ mà. Nhưng như thế nhìn bất lịch sự quá, nên tôi chỉ đeo hai chiếc thôi, cho tương xứng với địa vị của mình. Bạn có cái nào không?".
Tôi bật cười. Tôi thích sự hài hước của Wang. Nhưng có vẻ khá nhiều người không nghĩ như vậy. Tùy mức độ, người mỉa mai sâu cay, kẻ chỉ cười nhạo nhưng phần lớn ý kiến đều chê bai Wang, cho rằng anh ta "nhiều tiền nhưng ít não", xúc phạm người khác và chất vấn anh ta đã làm gì được cho xã hội.
Tôi có một người bạn rất giàu có. Hồi Blog 360 còn phổ biến, một hôm cậu bé giúp việc của chị cũng lập một trang mang tên con mèo cưng trong nhà. Thằng bé lấy ba chiếc điện thoại Vertu của vợ chồng chị xếp xung quanh con mèo, lấy một chuỗi ngọc trai quấn vào cổ nó, rồi đổ các chuỗi ngọc quý khác lên bụng nó. Và còn rất nhiều những bức ảnh tương tự nữa.
Nhìn những bức ảnh như thế, tôi chỉ thấy buồn cười và cũng nhận ra, chủ nhà thật giàu có. Tôi tuyệt nhiên không nghĩ những chiếc Vertu kia là đồ dùng cá nhân của con mèo hay mấy chiếc Apple Watch là của con chó. Người ta vẫn thường xuyên chụp hình chó cưng, đùa nghịch đủ trò như quấn khăn đeo kính cho nó rồi ghi chú "bữa nay bà ngoại lạnh quá", hay dúi cuốn sách kinh tế dày cộp giữa hai chân nó, ghi chú "đang ở Harvard", ví dụ vậy. Sao không thấy ai phê bình như thế là sỉ nhục người thân hay người đi học?
Có lẽ vì ai cũng dễ dàng có một chiếc kính và quyển sách nhưng không dễ để có một cái Apple Watch vàng. Cho nên cho chó đọc sách hoặc nằm đè luôn lên sách cũng được, nhưng với một chiếc đồng hồ thì tuyệt đối không. Chỉ vì chiếc đồng hồ ấy có giá ít nhất 10.000 USD.
Có lẽ tuy giống nhau ở chỗ không có chút giá trị sử dụng nào với con chó nhưng cuốn sách chỉ có giá vài chục nghìn, còn chiếc đồng hồ lại nhiều hơn một tháng lương trung bình của nhân viên văn phòng tại các thành phố lớn Trung Quốc (không dám so với Việt Nam), nên với một tâm lý nào đó, chiếc đồng hồ ấy không còn là đồ dùng nữa. Nó trở thành một thứ biểu tượng của nhà giàu, thứ đẳng cấp được sùng kính. Nghĩa là giá trị và giá tiền đã bị nhầm lẫn và đảo ngược.
Hay có lẽ vì vốn quá nhạy cảm với tiền, với những gì gọi là xa xỉ quá tầm với của số đông nên không ít người đâm ra có phức cảm với nó: vừa thèm thuồng cực độ vừa tỏ ra bất cần (vì khó có quá). Khi bắt gặp một hành động tương tự “cho chó đeo Apple Watch”, họ lập tức mỉa mai đám nhà giàu rửng mỡ, học thầy đốt sách... Những người lên án tự an ủi mình tuy nghèo nhưng vẫn hơn "đám nhà giàu kia" về tri thức, phẩm cách, lòng nhân ái...
Tôi cứ tưởng chỉ ở những nước đang phát triển như Việt Nam mới có hiện tượng ghét người giàu. Nhưng hóa ra không phải, ở những nước giàu hơn và văn minh hơn, tâm lý này cũng khá phổ biến. Thế nhưng "ghét người giàu" không hề khiến cho những người nghèo tạo được động lực để thoát nghèo. Cũng không chứng tỏ được ưu điểm vượt bậc nào của mình với họ.
Trong số những người chê trách Wang Sicong, có người còn viết: Giá mà Wang mang số tiền này đi xây dựng một nơi cứu trợ thì tốt.
Tôi nghĩ, phải rất thận trọng khi khuyến khích từ thiện. Vì nói đâu xa, cũng cuối năm ngoái, ba cha con sống trên lề đường ở TP HCM vừa được cho 60 triệu đồng chỉ sau vài tháng đã trở lại lề đường và còn khốn cùng hơn xưa. Từ thiện là công việc xã hội cần được tổ chức chặt chẽ chứ không phải bắt chước ông Bụt, cứ thấy ai khóc mếu máo là đem đến, cho làm vợ vua.
Trở lại câu chuyện. Một "nhà giàu ngu học", ông chủ của con chó đeo hai Apple Watch từng trả lời báo chí khi được hỏi quan niệm về sự giàu có như thế này: "Một số phụ huynh giàu có và có thể đảm bảo thực phẩm và quần áo cho con cái họ, tuy nhiên đứa trẻ ấy không phải là đứa trẻ giàu có. Nhưng nếu bạn có thể nhận được tiền từ bố mẹ và sử dụng chúng để thay đổi cuộc sống của người khác, thì đó là những gì tôi gọi là thế hệ thứ hai giàu có".
Tôi nghĩ rằng Wang muốn nói đến khả năng sử dụng đồng tiền trên bình diện lớn lao hơn và mang đến những thay đổi sâu sắc hơn. Khi đã có rất nhiều tiền, người giàu có sẽ đi xây trường học và viện nghiên cứu, tài trợ các nghiên cứu và hoạt động khoa học và nghệ thuật nhằm giúp con người khỏe mạnh và đẹp đẽ hơn.
Tôi cho phát biểu của Wang là thực tế và sâu sắc. Nó không vuốt ve ủy mị những tâm tình kiểu "rủ lòng thương" mà mạnh mẽ và vững chắc hơn nhiều.
Tiếc thay, trong sự choáng váng của số đông khiến cho giá trị và giá tiền bị đánh đổi và đảo ngược như đã nói, phát ngôn đáng nhớ này của Wang lại ít được chú ý hơn hai cái đồng hồ nghịch ngợm.
Hoàng Xuân