![]() |
NSND Lê Khanh (thủ vai Klea) trong Con cáo và chùm nho. |
- Với ngôn ngữ và thủ pháp nghệ thuật chứa đựng nhiều ẩn ý, Guillermo đã cùng lúc khai thác hai mảng hiện thực: một hiện thực cụ thể của xã hội chiếm hữu nô lệ Hy Lạp và một hiện thực mang tính biểu trưng, triết lý của Edop. Vậy, anh xử lý thế nào với những lớp lang này?
- Tôi sẽ cố gắng "thổi hồn Việt" vào kịch bản đầy ắp chất châu Âu để khán giả không thấy bối cảnh câu chuyện quá xa vời. Mở màn truyện kịch sẽ là một "mảng miếng" mô phỏng bức tranh buôn bán nô lệ của Jerome. Trong đó, dàn diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ sẽ thủ vai các nô lệ da đen. Những nô lệ này hoặc bị trói, hoặc bị bắt nhảy múa theo lệnh chủ nô... Quang cảnh trên diễn ra đằng sau một cái khung gỗ (để tạo cảm giác là một bức tranh)... Thế rồi trong đám nô lệ hỗn độn ấy, nhân vật Edop, mặt mũi đĩnh ngộ, quẳng áo choàng cho một nữ nô da đen và bước ra khỏi khung tranh. Cảnh chuyển. Đèn vụt tắt... Lời giới thiệu Con cáo và chùm nho cất lên.
Thực ra, vở kịch không đơn thuần mô tả xã hội Hy Lạp cổ đại mà qua đó phản ánh ý chí đấu tranh vì tự do của nhân dân châu Mỹ Latin hiện đại. Mà quan điểm về tự do trong xã hội, trong hôn nhân thì dù là xã hội phương Đông hay phương Tây cũng đều đặt ra. Vì vậy, những mảng miếng tiếp theo của tôi sẽ khai thác các tuyến xung đột giữa chủ nô (Xantuyp) với nô lệ (Edop và Melita), giữa tình yêu (Klea) và tự do (Edop), giữa quan điểm nô lệ trong sung sướng (Melita) và tự do trong cái chết (Edop)... Chẳng hạn, tôi sẽ sử dụng hai dàn đồng ca gồm các nữ nô da trắng và nam nô da đen; không sử dụng trống hay gõ phách... Và, lần đầu tiên, sân khấu sẽ kéo dài xuống khán phòng.
- Edop là nhân vật khó thể hiện vì mang nhiều yếu tố hoà cảm và gián cách. Mặt khác, vai diễn này đòi hỏi thoại nhiều, mà NSƯT Chí Trung (người thủ vai) đã quen với các show tấu hài. Anh có sợ nhân vật sẽ không đạt được hiệu quả sân khấu?
- Trong kịch bản, lời thoại của Edop tuy dài nhưng vẫn súc tích, dung dị và dí dỏm. Mà bản tính người Việt vốn đã rất ưa chuyện ngụ ngôn, tiếu lâm. Với sở trường hài, NSƯT Chí Trung sẽ làm cho nhân vật trở nên hài hước. Vả lại, ý định của tôi không phải là xây dựng một hình tượng Edop quá nghiêm túc, bởi sự nghiêm túc sẽ dễ dẫn tới khô cứng, khuôn sáo. Thế nhưng tôi cũng yêu cầu diễn viên phải học cách xử lý nhân vật giống như trong ca kịch, để Edop có thêm phần thâm trầm và lãng mạn. Như vậy, dù thoại nhiều nhưng người diễn Edop sẽ không bị biến thành loa phát ngôn cho tác giả.
- Cách đây 25 năm, "Con cáo và chùm nho" đã được NSND Nguyễn Đình Nghi dựng thành công cho đoàn kịch Hải Phòng. Nay, "Con cáo và chùm nho" được tái hiện với dàn diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ, anh có tin sẽ vượt qua "cái bóng" của các đạo diễn nổi tiếng?
- Với tôi, mỗi vở là một thử thách mới. Điều tôi quan tâm là mình phải đưa ra vở mới trước khán giả. Làm Con cáo và chùm nho còn vì tôi giữ lời hứa với Nhà hát mỗi năm ra một vở hẳn hoi cho anh em có đất diễn tử tế. Có thể đầu vào tốn kém một tí, đầu ra cũng thu về ít đi một tí (mỗi tối vở này sẽ chỉ bán giới hạn 200 vé, không phát vé mời). Nhưng nếu không làm hẳn hoi thì tự mình làm mình thấp kém đi và cũng hạ thấp luôn cả thị hiếu khán giả.
- Anh từng có ý định dựng "Nhà búp bê" của Ibsen và "Vườn anh đào" của Tchekhov từ mấy năm nay, sao giờ vẫn chưa thấy rục rịch?
- Mỗi vở kịch của tôi là một "phép thử" thị hiếu khán giả. Thông thường, tôi cho họ ăn một món rồi qua phản ứng của họ mà nghĩ xem có nên chế biến món sau tương tự không. Bởi vậy, sau Macbeth (dựng năm ngoái), tôi thấy rằng trước mắt nên dựng Con cáo và chùm nho, khán giả Việt Nam sẽ dễ tiếp cận hơn là những trăn trở, dằn vặt của giới quý tộc, tiểu tư sản Nga thế kỷ XIX trong kịch Tchekhov, Ibsen.
Hiền Hòa thực hiện