Tuy nhiên, khả năng biết trì hoãn những ham muốn cá nhân cũng là một thước đo dự đoán mức độ thành công của một người khi trưởng thành.
Minh Nhật 4 tuổi và con rất thích chơi ô tô. Từ khi còn nhỏ, tôi đã bắt đầu mua đồ chơi cho con phù hợp với từng giai đoạn. Đến nay, khi Nhật đã lớn, biết thích và chọn món đồ cho mình. Con luôn chứng tỏ khả năng đó mỗi lần được đi chơi tại các Trung tâm thương mại hoặc các siêu thị cùng ba mẹ. Nhật thường tìm đến các cửa hàng đồ chơi, sau một hồi tham quan và lựa chọn, con sẽ mang lại cho mẹ một món đồ mà con thích và xin được mua.
Nhìn vẻ mặt háo hức khi thấy món đồ, pha chút bối rối kiểu "không biết mẹ có cho mình mua không nhỉ?" của con, tôi thường rất dễ mủi lòng và mua cho con. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng được vậy.
Trong các hoạt động hàng ngày ở nhà, tôi thường tập cho Nhật tính thứ tự và trì hoãn. Những lúc ăn cơm, con háu đói nên thường ngồi vào bàn trước và tự lấy đồ ăn. Tôi chỉ con không được làm như vậy, nhà có ông bà ở cùng, nên tới bữa, con cần đợi ông bà và ba mẹ ngồi vào bàn đầy đủ rồi mới được ăn. Việc đó thể hiện sự lễ phép với người lớn. Hay những lần con muốn xem phim hoạt hình trên tivi và giành mở mà không cho ba xem thời sự. Tôi cũng yêu cầu con ngồi xuống, phân tích việc xem tivi sẽ có tác động gì đến con: xem nhiều con sẽ bị ảnh hưởng thị lực. Vậy nên, cả nhà cùng chia thời gian để xem. Mỗi ngày, con sẽ có 30 phút vào buổi sáng để xem hoạt hình. Tôi may mắn vì Nhật là cậu bé ngoan và biết hợp tác với mẹ. Từ những thói quen như vậy ở nhà, nên khi con muốn mua món đồ mới. Tôi sẽ cùng con nghĩ lại xem món này ở nhà đã có chưa? Nếu có rồi, thì sẽ không mua nữa tránh trùng lặp và để con có cơ hội mua các món khác cho đa dạng.
"Vậy nếu con chưa có, thì có được mua không hả mẹ?" cầm cái xe điều khiển trên tay, Nhật hỏi mẹ. Những lúc thế này, nếu tôi nói "không" sẽ khiến con rất thất vọng và sẽ buồn suốt cả buổi đi chơi. Nên tôi sẽ kiểm tra giá tiền trước, sau đó nói với con: hôm nay mẹ chỉ mang đủ tiền để mua đồ ăn và sữa cho con thôi. Nếu mua thêm xe này, mình sẽ không đủ tiền để mua sữa và đồ ăn nữa, con sẽ không được uống sữa trong 1 tuần, con có đồng ý không?" Nghe xong thì Nhật xị mặt xuống, Nhật biết mỗi lần ra ngoài, tôi đều lên danh sách các khoản cần dùng và mang theo một số tiền nhất định – việc này giúp tôi đỡ chi tiêu hoang phí cho những khoản không thực sự cần thiết.
Thấy con có vẻ không vui, tôi nói tiếp:
- Mẹ có ý này, trong 4 tuần tới chúng ta hãy kiếm một ít tiền vừa đủ mua xe này, con thấy sao?
- Bằng cách nào hả mẹ? Nhật hỏi.
- Mẹ nghĩ: chúng ta sẽ trích một khoản nhỏ từ tiền tiêu vặt hàng ngày. Hoặc con cũng có thể kiếm tiền đấy! Nếu con làm tốt các việc mẹ giao, thì mẹ sẽ thưởng cho con 10 nghìn đồng nhé.
Công việc mà tôi giao cho con không có gì to tát hết. Tôi yêu cầu con cố gắng một chút trong các việc như: bắt buộc cất đồ chơi gọn gàng và đúng thứ tự; Cắt giảm thời gian xem tivi, chỉ được xem 4 ngày trong tuần; Tự giác ăn cơm và uống sữa (ở độ tuổi này, con rất biếng ăn nên đây cũng là công cụ để tôi thúc đẩy con ăn nhiều hơn để đảm bảo sức khỏe). Cứ thế sau 4 tuần thì con cũng đủ 350,000 nghìn đồng để mua xe điều khiển.
Đến ngày đi mua đồ, con rất háo hức và nếu để ý, tôi thấy con thích món đồ chơi này nhiều hơn và cùng cất giữ cẩn thận hơn so với món đồ khác. Có lẽ, vì con đã phải bỏ thời gian và thật sự cố gắng mới có được, nên con cũng biết trân quý. Là trẻ nhỏ, dù các con không nói ra hoặc chưa biết thể hiện bằng lời nói, nhưng ở tuổi này, các con đã ý thức được việc làm của mình. Tôi thấy Nhật vẫn hay để ý mỗi lần đi chơi, tôi cầm bao nhiêu tiền. Hay đi siêu thị cùng mẹ, con hay hỏi "tại sao mua cái này mà không mua cái kia?" Những lúc như vậy, tôi giải thích cho con "tiền không dễ kiếm hoặc chúng ta sẽ phải bỏ nhiều công sức để có được. Nên khi mua một món đồ nào đó, con hãy viết ra những món thực sự cần thiết, sau đó, cân nhắc giá cả vì cùng 1 loại nhưng có nhiều giá và chương trình khuyến mãi. Lựa chọn đúng sẽ giúp con tiết kiệm được một khoản đấy"
Cùng con lớn lên là điều hạnh phúc nhất đối với cha mẹ. Khôn lớn cả về thể chất và trí tuệ sẽ là hành trang cho con vững bước trong tương lai. Tôi chọn việc chia sẻ và chỉ bảo con từ những việc nhỏ hàng ngày để thành thói quen và khi đã là thói quen, con sẽ biết vận dụng vào các hoạt động của cuộc sống, ngay cả việc sử dụng tiền.
Nguyễn Thị Thoa
Prudential và VnExpress phối hợp tổ chức cuộc thi "Cha-Ching - Bé giỏi tiền hay" từ ngày 9/6 đến 21/7. Cuộc thi không chỉ giúp cha mẹ và con cái cùng nhau học thêm cách quản lý tiền mà còn là một cơ hội giúp cả nhà gắn kết hơn cũng như nhận phần thưởng bằng tiền mặt hkấp dẫn. Trong đó, cơ cấu giải thưởng bao gồm: một giải Nhất trị giá 10 triệu đồng; hai giải Nhì, mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 5 giải Ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; 5 giải Yêu thích thông qua bình chọn của độc giả, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng. Ngoài ra, 20 bài dự thi có chất lượng tốt nhất được chọn vào chung khảo sẽ nhận 500.000 đồng và một con heo đất của Prudential.
Xem chi tiết thể lê cuộc thi tại đây.
Gửi bài dự thi tại đây