Một buổi sáng, Polly Campbell, nữ diễn giả kiêm tác giả chuyên viết về tâm lý người Mỹ, dậy sớm để làm việc nhà, trước khi chồng và con gái thức dậy. Sau vài phút dọn vũng nước do đường ống rò rỉ, cô mở cửa cho chó chạy ra ngoài và chuyển đồ từ máy giặt sang máy sấy. Đến lúc Polly phải làm việc, chồng cô vẫn nói chuyện điện thoại ồn ào còn con gái đang ăn dở ngũ cốc.
Do dịch Covid-19, cả gia đình Polly đều ở nhà. Chồng "chiếm" phòng làm việc nên nữ tác giả đành viết lách trên bàn ăn, bên cạnh là đứa con tuổi teen vừa giải toán đại số vừa ngân nga bài hát yêu thích.
Biên tập viên yêu cầu Polly nộp bài buổi trưa nhưng cô không thể tập trung. Mỗi phút trôi qua, cô lại cảm thấy căng thẳng vì thời hạn nộp bài đang đến gần. Cô còn gần như phát khóc khi lỡ tay xóa mất một đoạn dài.
Polly không nói gì nhưng bên trong, cô vừa bực tức vừa nóng ruột. Cô lấy tay cào tóc và nhìn vào màn hình máy tính, thấy gương mặt phản chiếu của mình cau có.
Mặt bàn đột nhiên rung lên. Quay sang, Polly thấy con gái rung chân. Cô bé nghịch tóc, hết buộc lên lại thả xuống rồi thở dài, ném bút chì lên tập vở, nói: "Con căng thẳng lắm rồi đấy".
"Tôi nghĩ rằng con bé lây stress từ mình", Polly nói.
Theo nghiên cứu mới trên tờ Journal of Family Psychology, dù người lớn cố gắng giữ bình tĩnh, stress từ họ vẫn có thể lây lan và ảnh hưởng tới con cái. Qua quan sát, các nhà nghiên cứu phát hiện khi người mẹ cố gắng giấu giếm sự căng thẳng và những cảm xúc tiêu cực khác, đứa con sẽ cảm thấy cơ thể mình bất ổn, dù không biết chuyện gì đang diễn ra.
Trẻ con rất nhạy cảm. Theo phó giáo sư Sara Waters từ Đại học Washington State, một trong các tác giả nghiên cứu trên, chúng biết khi nào người lớn giả vờ tỏ ra ổn. Bên cạnh đó, thành viên của các gia đình hay giấu cảm xúc thật, nhất là khi bàn luận những chủ đề khó khăn hay gặp xung đột, có xu hướng lạnh nhạt, xa cách với nhau.
Những ngày ở nhà, các thành viên gia đình Polly đều căng thẳng. Cô không muốn cảm xúc của mình đè nặng lên con gái, nhưng vờ rằng mọi thứ đều ổn chỉ khiến tình hình tệ hơn.
Cuối cùng, Polly quyết định ngồi xuống và trò chuyện với con gái. "Tôi giải thích đơn giản để con hiểu rằng tôi bị stress vì phải vừa trông con học vừa hoàn thành công việc trong bối cảnh cuộc sống bị đảo lộn", cô giải thích. "Tôi cũng khẳng định với con rằng đây là thời điểm khó khăn nhưng chúng tôi vẫn ổn. Dù căng thẳng, chúng tôi vẫn có thể kiểm soát cảm xúc của mình để cảm thấy khá hơn".
Nghe mẹ trải lòng, con gái Polly thú thực rằng cô bé căng thẳng vì tưởng mẹ giận mình. Sau vài phút trò chuyện, họ bình tĩnh và thông cảm cho nhau hơn. Con gái Polly trở lại với bài tập đại số còn nữ tác giả hoàn thành công việc kịp thời hạn.
"Chúng ta không nhận ra stress của mình có thể lây lan và khiến mọi người căng thẳng hơn như thế nào", Polly kết luận. Từ câu chuyện của mình, cô rút ra ba điều nên làm để chấm dứt vòng luẩn quẩn cảm xúc.
Đầu tiên, hãy để ý những dấu hiệu cơ thể như căng cổ, đau dạ dày. Nhiều khả năng đó chính là cảnh báo cho thấy tâm trí bạn đang mệt mỏi.
Thứ hai, hãy nhận diện cảm xúc đằng sau triệu chứng cơ thể đó. Hãy tự hỏi bản thân xem bạn đang buồn hay đang cáu giận và lý do là gì.
Cuối cùng, hãy trò chuyện hoặc viết về cảm xúc của mình, càng chi tiết càng tốt. Nếu cảm thấy khó khăn, một câu "tôi bị áp lực vì phải hoàn thành công việc đúng hạn" cũng đủ giúp bạn vơi đi và tránh ảnh hưởng đến người xung quanh.
Minh Trang (Theo Psychology Today)