Một "con cá mập nhỏ" vừa xuất hiện trong bể lớn của nền kinh tế, khi Tổng thống Donald Trump ban hành các chính sách tăng thuế nhập khẩu với những quốc gia thâm hụt thương mại lớn với Mỹ. Chính sách này được Mỹ sử dụng như một quân bài đàm phán trong quan hệ với nhiều quốc gia, bao gồm cả các đồng minh thân cận, đồng thời bảo hộ nền sản xuất công nghiệp trong nước.
Hàng hóa từ Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ bị áp mức thuế nhập khẩu đối ứng lên tới 46%. Những ngành xuất khẩu chủ lực như gỗ, dệt may, da giày và điện tử... sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.
Trước sức ép này, bên cạnh hy vọng vào sự chèo lái của Nhà nước và Chính phủ để có những cuộc đàm phán đạt kết quả tốt, thì doanh nghiệp trong nước phải chủ động tìm hướng đi khác, và nâng cao năng lực cạnh tranh để thích ứng.
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến thương mại và đầu tư xuyên biên giới, chúng tôi luôn nhấn mạnh nguyên tắc: không bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Trong môi trường kinh doanh đầy biến động, việc chuẩn bị phương án dự phòng là tối quan trọng.
Xuất khẩu vào Mỹ hiện chiếm trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, do đó việc đa dạng hóa thị trường là rất cấp thiết. Ngoài các đối tác truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và EU, doanh nghiệp Việt có thể mở rộng sang các khu vực mới như Mỹ Latin và châu Phi. Tuy nhiên, thay vì dàn trải, cần tập trung khai thác hiệu quả các thị trường có tiềm năng và điều kiện thuận lợi.
Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn chia sẻ kỹ hơn về hoạt động thương mại với EU như một hướng đi khả thi, bên cạnh những giải pháp khác có thể triển khai để giảm thiểu tác động của việc áp thuế này.
EU là khối kinh tế hàng đầu thế giới với 27 quốc gia, 450 triệu dân, chiếm một phần sáu GDP toàn cầu. Đây cũng là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, đồng thời là nguồn FDI quan trọng, chiếm 40% tổng FDI toàn cầu.
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu, nhưng doanh nghiệp Việt vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường này. Một số hướng tiếp cận chính mà Việt Nam có thể cân nhắc bao gồm: Thay thế hàng xuất khẩu vào Mỹ bằng EU; Tận dụng EU như một trung tâm trung chuyển, phân phối hàng hóa vào toàn khối, cũng như sang các thị trường lân cận như Anh, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc các quốc gia Đông Âu; Nhập khẩu công nghệ và hàng hóa từ EU; Thu hút vốn từ EU về Việt Nam; Hợp tác chiến lược và mua bán, sáp nhập (M&A) ngay tại EU.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt có thể tận dụng các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại từ EU; hợp tác nhận hỗ trợ tài chính và đầu tư, đặc biệt là ở các lĩnh vực liên quan tới năng lượng sạch và công nghệ...
Từ kinh nghiệm cá nhân trong quá trình tư vấn và triển khai mở rộng ra thị trường nước ngoài, tôi cho rằng việc mua lại doanh nghiệp bản địa là một trong những hướng đi thực tế. Thay vì bắt đầu từ con số 0, sở hữu một công ty đã có sẵn tư cách pháp nhân, hệ thống, thương hiệu, công nghệ, thị trường và nhân sự tại chỗ sẽ giúp doanh nghiệp Việt tiết kiệm thời gian, tăng tốc hội nhập và giảm rủi ro thị trường. Những thương vụ chúng tôi từng thực hiện cho thấy nhiều doanh nghiệp tại EU sẵn sàng chuyển nhượng với mức giá hợp lý.
Tất nhiên, để có thể khai thác thị trường châu Âu, thách thức đặt ra là không nhỏ, liên quan đến các tiêu chuẩn kỹ thuật cao của EU đối với hàng hóa nhập khẩu; rào cản phi thuế quan, đặc biệt là các quy định về môi trường, lao động và an toàn thực phẩm; chi phí tuân thủ lớn; cũng như khả năng cạnh tranh với các quốc gia đã có sẵn mối quan hệ bền vững với EU...
Nhưng nếu thấy khó mà bỏ cuộc, Việt Nam sẽ đánh mất một thị trường tiềm năng đang rất ủng hộ chúng ta, và tiếp tục phải phụ thuộc vào những thị trường vốn có nhiều biến động đột ngột về chính sách. Đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam làm quen với những tiêu chuẩn cao hơn, cũng như khai thác vị thế có được với EU (Việt Nam là một trong bốn quốc gia châu Á có FTA toàn diện với EU, bên cạnh Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore).
Để giải bài toán mở rộng thị trường này một cách có tầm nhìn dài hạn và bền vững, Việt Nam có thể học hỏi cách các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản đưa doanh nghiệp tiến ra thế giới. Đó không phải là những bước đi đơn lẻ, mà là sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính phủ, các đại sứ quán, hiệp hội ngành hàng, các tập đoàn lớn và doanh nghiệp tư nhân. Họ đi cùng nhau, với cùng chiến lược, cùng hệ sinh thái, cùng tiếng nói.
Cộng đồng doanh nhân Trung Quốc là một ví dụ điển hình. Họ tổ chức thành những nhóm gắn kết: doanh nghiệp lớn dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ; ngân hàng và tổ chức tài chính trong nước hậu thuẫn mạnh mẽ để triển khai các thương vụ M&A quy mô lớn. Họ mua lại doanh nghiệp sở hữu công nghệ cao để đi tắt đón đầu, mua ngân hàng sở tại để làm chỗ dựa cho doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục phát triển. Họ đầu tư vào cảng biển, logistics để kiểm soát chuỗi cung ứng, tối ưu chi phí, nâng sức cạnh tranh cho hàng hóa. Nhờ đó, Trung Quốc không còn chỉ là công xưởng của thế giới, mà đang vươn lên trở thành trung tâm công nghệ, tài chính, ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực cốt lõi toàn cầu.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản cũng tiến vào EU theo đội hình chuỗi giá trị, hình thành nên những cụm công nghiệp, những cộng đồng doanh nhân và hệ sinh thái từ doanh nghiệp đầu tàu tới doanh nghiệp vệ tinh, ngân hàng, logistics... giống như cách họ đang hiện diện rất hiệu quả tại thị trường Việt Nam.
Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc còn rất tích cực trong việc thu hút vốn và công nghệ từ thế giới về nước mình - nhưng bằng cách chủ động kết nối, xây dựng hạ tầng và cơ chế hỗ trợ chứ không thụ động chờ đợi. Họ thường xuyên tổ chức các chiến dịch xúc tiến đầu tư quốc tế, cử đại diện đến các thị trường trọng điểm để tìm kiếm đối tác, và quan trọng nhất: họ tạo niềm tin rằng môi trường pháp lý, nhân lực, chính sách nội địa đủ hấp dẫn để dòng vốn quốc tế yên tâm "cập bến".
Nếu muốn thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng từ châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản vào các lĩnh vực công nghệ, năng lượng sạch, giáo dục, y tế, Việt Nam cần chủ động hơn nữa: thiết lập các "văn phòng xúc tiến đầu tư ngược" ngay tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, kết nối doanh nghiệp quốc tế với các khu công nghiệp chiến lược của Việt Nam, đồng thời chứng minh rằng doanh nghiệp Việt có thể cùng họ tạo ra giá trị bền vững. Chỉ khi chúng ta đi trước một bước, nhà đầu tư toàn cầu mới có lý do để chọn Việt Nam thay vì chỉ xem Việt Nam như "một lựa chọn ngẫu nhiên trong khu vực".
Như vậy, để xâm nhập các thị trường mới, Việt Nam cần những mô hình hợp lực - nơi doanh nghiệp không đi một mình, mà đi cùng nhau với sự đồng hành của chính sách, thể chế và các mạng lưới hỗ trợ.
Nếu coi mức thuế 46% như một "con cá mập nhỏ", ta sẽ nhìn thấy rủi ro hiện hữu - những thực thể chậm chạp và yếu đuối có thể bị tiêu diệt. Nhưng nếu bình tĩnh đối diện với thử thách, cơ hội tương xứng sẽ xuất hiện. Đây là lúc để doanh nghiệp Việt Nam chuyển mình, tư duy lại chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm những cách làm mới khác biệt, để không chỉ sống sót qua rủi ro mà còn vận động liên tục để trưởng thành cứng cáp, cùng xây dựng, đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam.
Lưu Minh Ngọc