Người mẹ cho biết con bị sốt, ho, phát ban toàn thân. Chị đưa con đến bác sĩ gần nhà được chẩn đoán bị nhiễm siêu vi, điều trị thuốc 3 ngày bé cắt sốt. Hai hôm sau bé sốt trở lại, phát ban toàn thân nhiều hơn. Tiếp tục điều trị tư đến ngày thứ 10, chị thấy thóp trên đỉnh đầu bé căng phồng, đầu sưng to nên đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng TP HCM.
Bé nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, đừ người, thóp căng phồng, đầu sưng to đỏ da, khám triệu chứng màng não không xác định được bệnh cảnh rõ ràng. Do không có giấy chuyển tuyến nên các bác sĩ không biết bé đã được điều trị kháng sinh gì trước đó. Siêu âm và chụp CT đánh giá ban đầu bé có tụ mủ dưới màng cứng hai bán cầu, theo dõi viêm màng não mủ biến chứng tụ mủ dưới màng cứng.
Các bác sĩ hội chẩn, quyết định mổ tháo rửa và dẫn lưu mủ hai bên bán cầu cho bé. Sau khi phẫu thuật ổn định, bé được chọc dịch màng não tủy, sử dụng kháng sinh đặc biệt có thể thấm vào màng não với liều cao hơn bình thường, truyền tĩnh mạch dài ngày. Sau gần một tuần điều trị, bệnh nhi không còn sốt, dẫn lưu mủ vết mổ ổn định, tỉnh táo, tay chân hoạt bát. Bé được rút ống dẫn lưu, cai máy thở, tiếp tục chuyển khoa nhiễm điều trị và theo dõi.
Trong quá trình điều trị, bé nhiều lần đối mặt nguy cơ tử vong vì nhiễm trùng nặng, huyết động không ổn định. Các bác sĩ nhận định đây là ca bệnh phát hiện muộn, tỷ lệ di chứng rất cao. Nhờ nỗ lực điều trị, bé may mắn hợp thuốc, được mổ dẫn lưu ổ mủ kịp thời nên tiên lượng tốt.
Bác sĩ khuyến cáo thời điểm nắng nóng hay lúc chuyển mùa như hiện nay, trẻ dễ mắc viêm màng não. Đây là bệnh nặng cần được điều trị cấp cứu, nếu không có thể gây tử vong hoặc để lại những di chứng như điếc, mù, động kinh, yếu liệt tay chân, chậm phát triển tâm thần vận động... Việc cha mẹ đưa con đi khám muộn, cộng thêm tình trạng sử dụng kháng sinh vô tội vạ khiến bệnh ngày một phức tạp hơn.
Để phát hiện trẻ mắc viêm màng não, đặc biệt ở trẻ sơ sinh, phụ huynh cần để ý các dấu hiệu sốt, chán ăn, bú kém, rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc nôn, ho, chảy nước mũi… Biểu hiện này rất khó phân biệt với bệnh lý khác, do đó cần theo dõi sát, đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc.
Để phòng bệnh viêm màng não cho trẻ, Bộ Y tế khuyến cáo:
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
- Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.
- Chủ động tiêm phòng văcxin phòng bệnh cho trẻ tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.
- Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.