Nhưng hôm nay đã bảy giờ sáng, sạp bà Phụng chưa mở. Chị Tâm đoán chắc nhà bà có việc nên nghỉ bán một hôm. Rồi hai ngày, ba ngày, sạp vải của bà Phụng vẫn im ắng. Chị gọi di động cho bà Phụng, đầu dây bên kia báo không liên lạc được.
Chị Tâm tiếp tục gọi những người quen biết chung của họ hỏi thăm tình hình. Song tất cả đều không liên lạc được với bà Phụng. Mọi người kéo đến nhà bà Phụng thì cửa đã khóa trái. Chị Tâm bắt đầu bồn chồn. Bà là chủ của những dây hụi mà chị tham gia từ nửa năm trước.
Chị Tâm vào dây hụi của bà vì cảm mến tính tình dễ thương, quan tâm mọi người chung quanh. Người ta bảo “dì uy tín lắm”, ai cũng tin tưởng vì thấy dì hiền, lại có sạp vải lâu năm ngoài chợ. Chị Tâm lại cần tiền tích lũy nuôi con trai đang học năm nhất một trường đại học ở Sài Gòn và cô con gái đang học cấp hai, nên tham gia hụi là giải pháp làm yên lòng cả nhà. Mỗi tháng chị góp cho bà vài triệu đồng, đến kỳ lĩnh sẽ nhận vài chục triệu cùng lãi suất cao gấp mấy lần ngân hàng.
Giờ, chị Tâm chẳng biết phải sống thế nào, chỉ khóc lóc. Bà Phụng biến mất, toàn bộ tích lũy của chị cũng biến mất.
Bà Phụng và chị Tâm đều là hàng xóm nhà tôi. Ấn tượng trong tôi về bà Phụng là một người phụ nữ có vẻ ngoài rất đáng tin. Bà Phụng cũng xuất thân từ gia đình khá giả. Nhờ tạo thiện cảm và uy tín, bà lấy lòng được nhiều người. Vài chục người đã góp hụi cho bà Phụng với tổng số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Họ làm đủ mọi ngành nghề như bán tạp hóa, buôn gánh bán bưng, kể cả dân văn phòng...
Mỗi người tham gia hụi với một mục đích khác nhau. Người dùng số tiền tích lũy từ hụi để phòng khi có việc cần đến; người thì giải quyết nhu cầu sửa nhà cửa, mua sắm; người để dành nuôi con ăn học xa. Mỗi lần đóng tiền, họ được bà Phụng viết cho một tờ giấy “làm tin”. Trong vai trò chủ hụi, bà Phụng không tốn bất kỳ đồng vốn nào nhưng vẫn được hưởng hoa hồng của họ.
Tùy hoàn cảnh, người tham gia có thể góp hụi với những định mức khác nhau. Người dân quê tôi e ngại để tiền trong nhà có thể bị trộm, nên hình thức chơi hụi được nhiều người xem như kênh đầu tư an toàn nhất. Tiền đóng hụi mỗi tháng không nhiều, dễ xoay sở. Nhờ vậy, các dây hụi như của bà Phụng thu hút rất đông các bà, các cô nhiệt tình góp tiền. Và đến một ngày, trước hạn lãnh hụi, bà Phụng cùng chồng con bỗng dưng biến mất.
Rồi vài tháng sau, người quê tôi lại chơi hụi với nhau như chưa từng bị giật nợ. Chẳng riêng quê tôi, liên tục trên báo, khắp nơi thường có các bản tin về chủ hụi bỏ trốn, gia đình tan nát, láng giềng bất hòa, người tự tử vì hụi. Giá trị các vụ vỡ hụi có thể một vài tỷ, vài chục tỷ, không ít vụ hàng trăm tỷ đồng, quy mô không kém một chi nhánh ngân hàng. Tôi tự hỏi tại sao bà con mình vẫn không biết sợ mà tránh xa nó ra?
Có người bảo, có lẽ đó là văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức. Có người lý giải do thiếu hiểu biết, cả tin, đa phần người tham gia tin vào uy tín của chủ hụi, chơi hụi vì người quen giới thiệu, là hàng xóm. Nhiều người tham gia vào dây hụi chẳng biết mặt nhau, có bao nhiêu người cùng chơi. Một số chủ hụi đã làm ra những dây hụi "ma" hoặc ghi khống, tăng giảm số tiền đóng, thời gian đóng, thật giả lẫn lộn suốt vài chục năm qua ở các làng quê, ngõ xóm, huyện thị.
Điều gì che mờ mắt họ? Vì lòng tham do lãi suất cao ngất ngưởng? Vì tin nhau và đặt tình người lên trên hết? Vì ham lãi cao, vì lề thói làng xã, vì nhẹ dạ, vì chủ quan?. Và nhiều người nói với tôi, họ còn nghiện hụi như nghiện cờ bạc, nó làm người ta có cảm giác bay bổng khi cầm một số tiền đời mình biết bao giờ mới có.
Nhưng còn có một lý do quan trọng, vì nó đơn giản quá và được luật pháp cho phép. Bộ luật Dân sự cho phép người dân chơi hụi, họ, phường như một trong những hình thức để “huy động vốn, tương trợ trong nhân dân”.
Nghị định số 144/2006 của Chính phủ cụ thể hóa quan điểm này nhưng chỉ với các câu chữ chung chung như “bồi thường thiệt hại cho những người tham gia họ nếu (thành viên tổ hụi) vi phạm nghĩa vụ mà gây thiệt hại”. Trong trường hợp, “người cầm tiền đã cầm toàn bộ số tiền của những người tham gia bỏ trốn”, ngoài trách nhiệm pháp lý mà người đó phải gánh chịu trước cơ quan Nhà nước, những thành viên dây hụi được chia nhau tài sản thu được, phần không trả đủ sẽ bị coi là “rủi ro của những người tham gia”.
Các tổ chức tín dụng bị quản lý rất chặt bởi luật pháp, phải báo cáo cơ quan chủ quản mỗi ngày. Nhưng còn hàng nghìn chủ hụi khắp mọi miền đất nước, họ đang thực hiện hành vi tương tự như một ngân hàng con, nhưng không phải báo cáo bất kỳ ai và có thể tự đưa ra luật lệ của riêng mình. Chỉ đến khi tình tan, tiền mất, các nạn nhân mới thức tỉnh phần nào.
Mẹ tôi kể bà Phụng đã đi nơi khác xây nhà sống. Bà không những không trả tiền lại cho bà con chòm xóm mà còn âm thầm quay lại xóm cũ bán nốt căn nhà chưa kịp tẩu tán trước khi trốn. Lòng tham khó đoán định của con người, cộng thêm với “công thức” tiếp cận một vấn nạn lớn trong xã hội sơ sài như luật Dân sự trên kia, tôi tự hỏi lấy gì để tiết chế những cơn bão hụi tàn phá các xóm làng?
Hà Lâm Minh Thư