Những hợp tác xã gạo nếp nổi tiếng ở huyện Phú Tân, An Giang xuất hàng đi Trung Quốc nhiều nhưng không thể xuất đi các thị trường khác, chỉ vì chưa có tiêu chuẩn. Thiếu điều kiện tối thiểu này, ta tự trói tay lệ thuộc thị trường Trung Quốc và tiếp tục sử dụng vô tội vạ thuốc trừ sâu có hại, là chất cấm của các tiêu chuẩn quốc tế.
Ngược lại, là món cà pháo mắm tôm, món mà chính người Việt có khi cũng ngại về vệ sinh an toàn. Vậy mà sản phẩm này của Công ty Ngọc Liên được FDA - Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm và dược phẩm Mỹ - cấp chứng nhận vào thị trường Mỹ đều đều. Tôi có dự thính cuộc duyệt xét để cấp chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập” thì điểm số của Ngọc Liên đạt gần 100/100 vì mọi thứ, sơ đồ nhà máy, quy trình sản xuất, xử lý chất thải... đều tuân thủ đúng quy định của tiêu chuẩn.
Có nghĩa là, đâu cứ phải là doanh nghiệp lớn mới làm được tiêu chuẩn?
Tiêu thụ nông sản, thực phẩm, nhất là xuất khẩu, đang là vấn đề nóng của nền nông nghiệp, cũng là của nền kinh tế Việt Nam. Với chủ đề này, tôi thiết tha muốn nói đến một điều ít ai nói tới. Chính tôi đã bị sốc một thời gian trong gần hai năm làm công việc này: việc hỗ trợ cho nông dân và doanh nghiệp xây dựng cái gọi là “tiêu chuẩn”.
Tôi ngẫm nghĩ mãi, vì sao nông dân và nông sản chúng ta ít đặt vấn đề tiêu chuẩn? Tất nhiên các doanh nghiệp lớn về thủy sản, thực phẩm thì đều quá sành sỏi, chuyên nghiệp với bộ sưu tập đủ có khi gần chục tiêu chuẩn cho từng đối tượng, thị trường. Nhưng còn nông dân và doanh nghiệp nhỏ, hầu như không quan tâm tới tiêu chuẩn.
Phải chăng vì nông sản của ta thường chỉ xuất thô, "bán xá" hay xuất tiểu ngạch, nên không ai chú ý tới điều kiện tiên quyết. Tức là nếu không có thì không ai thấy cần nói chuyện với mình, thì rớt “từ vòng gửi xe”?
Sự thật là, nền nông nghiệp của mình xưa nay chưa từng đặt tiêu chuẩn - chất lượng thành yếu tố cốt tử; chủ yếu vẫn coi trọng số lượng và thành tích.
Và chính thái độ đó cũng đang làm cho nông sản Việt Nam lên bờ xuống ruộng: chất cấm trong cá tra, tôm xuất khẩu, trong trà, gạo, trái cây...bị FDA và các cơ quan kiểm định EU liên tiếp cảnh báo xuất khẩu đang diễn ra hàng ngày; vấn nạn giải cứu nông sản trong nước.
Nay phải đặt tiêu chuẩn nặng vậy vì lợi ích chính đáng của người tiêu dùng mà cũng là yếu tố được nhà nhập khẩu thế giới xem xét đầu tiên. Ta chỉ có cách tạo nhận thức, hướng dẫn và tiến hành làm chứng nhận, sau đó là liên tục kiểm tra việc tuân thủ. Tập cho đến khi nông dân quen, thành tự nhận thức và tuân thủ tự nguyện, vì lợi ích chính mình.
Nhận thức rằng, muốn hội nhập đúng luật chơi quốc tế thì hàng hóa phải có tiêu chuẩn, Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao bắt đầu xây dựng Bộ tiêu chí “Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập” đến nay gần hai năm, với sự đồng hành của Bộ Khoa học Công Nghệ ngay từ đầu.
Ngoài Tiêu chuẩn, còn một điều quan trọng không kém tôi không thể không nói đến ở đây, vì có nó, ta mới thoát khỏi nạn giải cứu nông sản liên miên. Đó là giá trị gia tăng cho nông sản.
Để xây dựng giá trị gia tăng cho nông sản thì cần chế biến và theo tôi cần tiến hành song song hai việc: phát triển thị trường và phát triển sản phẩm mới. Các Bộ như Bộ Công Thương, Nông Nghiệp đều có các trung tâm nghiên cứu thị trường nhưng theo tôi, chưa thực sự giúp được nông dân và doanh nghiệp.
Thực tế là bản thân doanh nghiệp khi đưa yêu cầu làm nghiên cứu thị trường có khi còn lúng túng không thể xác định rõ điều mình muốn, và khi có kết quả thì cũng khó đưa vào sử dụng trong thực tế. Vì vậy, cần có đội ngũ chuyên viên trẻ cập nhật thông tin kịp thời về các ngành các địa bàn cung cấp, hướng dẫn, tư vấn cho nông dân và doanh nghiệp.
Vai trò của chế biến thì Bộ Nông nghiệp ta ý thức rất rõ, thể hiện là đã thành lập Cục mới chuyên về chế biến. Nhưng chế biến đâu chỉ việc của Bộ Nông nghiệp. Đó còn là việc của ngành sáng tạo, nghiên cứu thị trường - để chế biến theo nhu cầu thị trường - và cả công nghệ.
Chế biến là việc của rất nhiều người: nghiên cứu, thử thị trường, sản xuất. Tìm thị trường lại là việc căn cốt hơn kém nhau rất rõ giữa chuyên gia các nước. Và đó là việc của nghiên cứu và kinh doanh. Vì vậy mà Israel mới nở rộ hình thức biz-lab, đem hai nhà: nghiên cứu và kinh doanh lại ngồi gần nhau, phối hợp chặt chẽ với nhau ngay từ khâu nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Còn muốn phát triển sản phẩm, thì thiết thực nhất, cập nhật nhất là tham gia các hội chợ có uy tín trên thế giới. Cần có hai hai nhóm, một nhóm tập trung thu thập phân tích thông tin thị trường và một nhóm cứ đi hội chợ quốc tế chuyên ngành hàng tháng về báo cáo thực tế.
Về giá trị gia tăng, tôi còn muốn nêu một câu hỏi: Vì sao các tài sản lớn của nước nhà, là các đặc sản được cấp chỉ dẫn địa lý, cả Việt Nam, EU, Pháp cấp, bao nhiêu năm ta vẫn cứ bỏ mặc, không bận tâm tính chuyện Thương mại hóa?
Chính vì thế mà Thái Lan họ đã “khai thác hộ” và làm giàu giùm ta: Phở Việt Nam, Nước mắm Phú Quốc, Gạo thơm hữu cơ, Bưởi da xanh... họ bán ra thế giới rầm rầm. Người Thái quả thực rất “biết ơn” chúng ta, có của mà cương quyết không dùng.
Vũ Kim Hạnh