Tâm sự của vị bác sĩ cấp cứu cho các bệnh nhân nghi sốc phản vệ tại Hòa Bình
Trải lòng sau sự cố dẫn đến mất mát quá đỗi đột ngột, bác sĩ Hoàng Công Tình, Phó Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vẫn chưa tin được đó là sự thật. "Tôi muốn được khóc, được giải tỏa, chia sẻ với bệnh nhân nhưng không thể làm thế vì tôi còn hơn 40 nhân viên cần được chỉ huy, cần được kết nối công việc thật tốt", bác sĩ Tình nhớ lại thời điểm cấp cứu 18 nạn nhân gặp tai biến khi đang chạy thận nhân tạo.
Trong nỗ lực giành lại sự sống cho các nạn nhân, 7 bệnh nhân lần lượt ra đi với diễn biến mỗi người một khác. Mỗi lần bất lực buông tay để một bệnh nhân trút hơi thở cuối, nhiều điều dưỡng đã bật khóc. Bệnh nhân chạy thận thường lâu dài nên gắn bó thân thiết với các y bác sĩ, có người gần 10 năm, người ít nhất cũng 1-2 năm. Sự chia biệt đột ngột này càng thêm cảm xúc.
"Tôi nghĩ đó là giấc mơ, cơn ác mộng nhưng lại là sự thật mà mình phải chấp nhận nó", bác sĩ Tình xúc động. Bác sĩ ngành hồi sức tích cực do tính chất công tác vốn không nên để mình bị ám ảnh bởi những hình ảnh bệnh nhân và có quy tắc giữ cảm xúc, song sự cố lần này khiến ông Tình không kìm được đau xót. Lúc khẩn trương cấp cứu bệnh nhân bác sĩ phải cố gắng can đảm, bình tĩnh xử trí nhưng đằng sau đó là những hụt hẫng và mất mát to lớn.
"Tôi có thể thuộc tên tuổi từng bệnh nhân, biết thời điểm nào họ không muốn lọc máu, lúc nào họ bi quan. Những hôm mưa gió, tới giờ chạy thận tôi lại nghĩ tới những bệnh nhân ở huyện xa phải đi xe máy, xe buýt liệu có về tới nơi an toàn được không", bác sĩ Tình nói.
Người mắc bệnh thận mạn tính thường rơi vào trạng thái trầm cảm, chán nản và nhiều trường hợp muốn bỏ lọc máu. Những lúc như vậy chính các thầy thuốc phải động viên bệnh nhân có động lực chiến đấu bệnh tật. "Với mất mát từ sự cố lần này người nhà có thể trách móc y bác sĩ, có thể hỏi, phản ứng với cảm xúc mạnh, nhưng hai ngày nay họ chưa nói với tôi câu nào nặng lời", bác sĩ Tình chia sẻ.
Bác sĩ hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân chạy thận nghi sốc phản vệ
Sáng 29/5, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình thì có dấu hiệu nghi sốc phản vệ. 7 người lần lượt tử vong, một người đang trong tình trạng nguy kịch, 10 bệnh nhân còn lại được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai điều trị tiếp, hiện sức khỏe đã ổn định. Sáng 30/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình bố trí 2 chiếc xe 30 chỗ cùng y bác sĩ đi kèm đưa 62 bệnh nhân về Hà Nội chạy thận nhân tạo. Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án để điều tra nguyên nhân tai biến. |
Lê Phương - Phương Trang