Chủ nhật, 2/2/2025
Thứ sáu, 20/3/2020, 10:10 (GMT+7)

'Cơm cách ly' của gần 800 người Việt về từ châu Âu

Hà NộiBữa cơm chiều trị giá 23.000 đồng trong trung tâm cách ly gồm trứng, thịt rang, chả lá lốt, khoai tây xào kèm chuối tráng miệng.

Hơn 16h ngày 19/3, trong nhà ăn Trường quân sự Bộ tư lệnh Thủ đô (thị xã Sơn Tây), tổ phục vụ 40 người hoạt động hết công suất để chia 776 suất cơm chiều cho người đang cách ly 14 ngày. Hộp cơm xếp kín hai dãy bàn trong khu nhà ăn rộng chừng 300 m2.

Từ 13 đến 15/3, Trường quân sự tiếp nhận 776 người vào trung tâm cách ly, trong đó có 768 người Việt Nam phần lớn về từ châu Âu và 8 người nước ngoài. Trước đó, đơn vị tiếp nhận 752 người trở về từ Hàn Quốc hoàn thành cách ly từ 25/2 đến 12/3.

30 chiến sĩ Tiểu đoàn Thông tin 610 được bộ tư lệnh thủ đô tăng cường từ cuối tháng 2 để phục vụ trong khu cách ly. Quân số chia hai kíp, một nửa nằm trong tổ phục vụ vòng ngoài và nửa còn lại sẽ vào trong khu cách ly lo cơm nước, sinh hoạt cho người dân.

3h sáng mỗi ngày, họ sẽ dậy cùng giờ với nhân viên bếp, trợ giúp sơ chế đồ ăn, chia khăn giấy, đũa, thìa, nước mắm, đóng hộp và vận chuyển đến trước cổng khu cách ly.

Bữa cơm chiều trị giá 23.000 đồng gồm trứng ốp, thịt rang, chả lá lốt, khoai tây xào, thêm chuối tráng miệng. Thực đơn xây dựng dựa trên số tiền hỗ trợ 57.000 đồng một ngày cho người cách ly, chia ăn sáng và hai bữa chính, thường theo tỷ lệ 2/4/4.

Suất cơm dành cho 8 người nước ngoài có thêm xúc xích, miến xào, sữa hộp, sao cho phù hợp thói quen ăn uống. Người nước ngoài được Chính phủ Việt Nam hỗ trợ 100.000 đồng một ngày ăn trong thời gian cách ly.

Đại úy Võ Thị Minh Tâm, cán bộ phụ trách bếp ăn kiểm kê, đánh dấu phần ăn của từng phòng. Các em bé sẽ có cháo thịt xay, đôi khi thêm rau hoặc bí đỏ. Suất ăn đạt yêu cầu, theo chị, đầu tiên phải đẹp mắt, thịt không quá khô, rau xanh, đồ ăn không cháy, món xào hay rán không đọng nhiều dầu mỡ. Mỗi món ăn đều được chị lưu lại mẫu để kiểm tra an toàn thực thẩm trong ngày.

Những ngày này, đại úy Tâm luôn đặt báo thức lúc 3h sáng để dậy lo cơm nước. Ngày cao điểm đón người về cách ly, chị Tâm cùng tổ phục vụ từng lo suất ăn lúc nửa đêm, chợp mắt chưa đầy 3 tiếng. "Chỉ cần mọi người thấy ngon miệng như ở nhà, mình vất vả sao cũng được", chị Tâm chia sẻ.

17h, các chiến sĩ đem cơm từ nhà ăn đến trước cổng khu cách ly. Các bữa phải luôn đúng giờ: ăn sáng 7h, bữa trưa 11h30 và cơm tối lúc 18h.

Tổ phục vụ xếp cơm lên dãy bàn đặt trước hàng rào giới hạn khu cách ly rồi quay trở ra. Từ đây, việc mang cơm vào cho người dân trong các dãy nhà cách ly sẽ do nhóm chiến sĩ khác đảm nhận.

Ngoài phục vụ cơm nước, bộ đội còn thu dọn hộp nhựa, cơm thừa sau bữa ăn và đem đi đốt để phòng dịch bệnh. Họ mặc đồ bảo hộ, không được rời khu vực này cho đến khi người dân hoàn thành 14 ngày cách ly bắt buộc.

Thiếu úy Hoàng Duy Hào và đồng đội mang đồ người nhà gửi vào cho con em đang cách ly. Đồ gửi qua cổng trực ban phải lưu danh sách và kiểm tra trước mặt hai bên. Trường chỉ nhận chuyển đồ dùng sinh hoạt và từ chối đồ uống có cồn, tiền mặt...

Mỗi ngày các chiến sĩ vận chuyển hàng chục chuyến quà người thân gửi vào cho con em, phần lớn là du học sinh từ châu Âu về.

Cán bộ quản lý khu cách ly cầm loa nhắc nhở người dân thực hiện đúng nội quy, điều phối chiến sĩ mang cơm nước lên các tầng.

Phía ngoài, bộ đội trực canh 24/24h, nhắc nhở khi người đang cách ly tiến quá sát hàng rào, ngăn người ở vòng ngoài đến gần "khu vực miễn vào".

Từ ngày 15/3, mỗi ngày sân bay Nội Bài tiếp nhận khoảng 1.000 người Việt Nam từ nước ngoài về. Hà Nội có thể phải cách ly, theo dõi sức khỏe khoảng 10.000 người trong những ngày tới.

Bộ đội chuyển cơm chiều cho người cách ly
 
 

Video: Bộ đội chuyển cơm chiều cho người cách ly.

Giang Huy - Phương Lam