Việt Nam chính thức gia nhập Kế hoạch Colombo (Colombo Plan) từ năm 2003. Trong gần 20 năm qua, Colombo Plan đã thực hiện nhiều hoạt động đào tạo để hỗ trợ Việt Nam như phòng chống ma tuý, hành chính công, môi trường, phát triển kinh tế tư nhân, bình đẳng giới...
Đặc biệt là Chương trình tư vấn chống ma tuý (DAP) do Colombo Plan triển khai từ năm 2016 đến nay với nhiều khoá học về chương trình điệu trị ngoại khoa cơ bản và nâng cao tại Hà Nội và Nha Trang, đào tạo cho 352 chuyên gia về cai nghiện ma tuý.
Colombo Plan cũng hỗ trợ Việt Nam phát triển mô hình "Toà hỗ trợ cai nghiện ma tuý". Đây là một giải pháp đã được ứng dụng tại nhiều quốc gia, trong đó nhấn mạnh sự tăng cường kết nối giữa các cơ quan về tư pháp, hành pháp, y tế, xã hội để hỗ trợ, giám sát người nghiện ma túy, giúp họ tuân thủ điều trị và cai nghiện hiệu quả. Các chương trình tập huấn và hỗ trợ đã được triển khai, trong đó, 6 nơi thí điểm mô hình "Toà hỗ trợ cai nghiện ma tuý" đã được thành lập tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM.
Kế hoạch Colombo đã giúp Việt Nam nhiều dự án tổng giá trị hàng chục triệu USD như: chương trình phòng chống lao 6 triệu USD; chương trình kế hoạch hoá gia đình 2 triệu USD, hỗ trợ hệ thống thủy lợi tỉnh Bình Định 2,5 triệu USD.
Từ năm 1995 đến năm 2012 Colombo Plan đã đạo tào cho Việt Nam 569 thạc sĩ tại Hàn Quốc và Malaysia, hơn 226 bác sỹ của Việt Nam tham gia các lớp đào tạo về cai nghiện ma tuý, 315 cán bộ công chức doanh nhân việt nam tham dự các chương trình phát triển doanh nghiệp.
Năm 2020, Colombo Plan đã gửi 10.000 USD hỗ trợ người dân Quảng Bình bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Tổ chức cũng hỗ trợ Học viện Phụ nữ thông qua dự án nâng cao năng lực trị giá 126.000 USD, đồng thời hỗ giúp trường Đại học Y xây dựng Trung tâm chuyển giao công nghệ quốc tế trị giá 169.000 USD
Kế hoạch Colombo tên gọi đầy đủ là "Kế hoạch Colombo vì sự hợp tác phát triển kinh tế và xã hội ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương" là một sáng kiến của Anh và chính thức đi vào hoạt động từ năm 1951. Phương thức hoạt động của tổ chức này là thực hiện các khoá đào tạo, giúp các nước thành viên phát triển nhân lực để phục vục cho sự phát triển.
Hiện nay, kế hoạch Colombo đang triển khai 4 chương trình lớn là: Tư vấn chống ma tuý; Hành chính công và môi trường; Hỗ trợ thành phần kinh tế tư nhân; Đào tạo dài hạn. Gần đây Kế hoạch Colombo xây dựng thêm chương trình về bình đẳng giới.
Đáng chú ý, Tổng thư ký thứ 7 của tổ chức này là một nhà ngoại giao Việt Nam - Tiến sĩ Phan Kiều Thu. Là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đảm nhận vị trí Tổng thư ký trong một tổ chức quốc tế liên chính phủ, Tiến sĩ Phan Kiều Thu cho biết: "Trong gần 4 năm qua, tôi đã và đang cố gắng hết sức để đóng góp cho sự phát triển của Kế hoạch Colombo nói chung và của Việt Nam nói riêng. Tôi vinh dự khi được đảm nhiệm vị trí Tổng thư ký Kế hoạch Colombo. Đây làm cơ hội to lớn để chứng tỏ với thế giới rằng Việt Nam có nguồn nhân sự cấp cao đạt tiêu chuẩn quốc tế để tiếp tục đổi mới và hội nhập hơn nữa".
Sinh ra trong một gia đình có cha từng đảm nhận vị trí trợ lý Bộ trưởng ngoại giao, bà Phan Kiều Thu bắt đầu sự nghiệp theo truyền thống gia đình từ năm 1998. Bà phụ trách quan hệ song phương của Việt Nam với các nước Đông Nam Á, Nam Á và Nam Thái Bình Dương. Giai đoạn từ năm 2004 đến 2011, bà đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau tai Bộ Ngoại giao Việt Nam... Trước khi nhận nhiệm vụ tại Kế hoạch Colombo vào năm 2018, bà là Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka kiêm nhiệm Maldives.
Bà có bằng cử nhân tiếng Nga và văn học Nga, thạc sĩ chính sách công và tiến sĩ kinh tế. Đặc biệt, ngoài công tác đối ngoại bà còn là người tích cực tham gia các chương trình ca nhạc từ thiện nhờ sở hữu chất giọng nữ cao (soprano). Vị Tổng thư ký của Colombo Plan từng biểu diễn trên Đài truyền hình quốc gia Sri Lanka bằng tiếng Việt, Anh, Nga, Pháp, Tây Ban Nha....
Thảo Miên