Không quân Colombia cho hay vật thể có "đặc điểm tương tự khí cầu" được phát hiện hôm 3/2 và "được theo dõi cho đến khi nó rời khỏi không phận quốc gia".
Theo thông báo từ không quân, vật thể bay ở độ cao 17 km với tốc độ trung bình 46 km/h, song "không phải mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, quốc phòng cũng như an ninh hàng không".
Colombia thêm rằng họ đang tiến hành điều tra phối hợp với các quốc gia và tổ chức khác "nhằm xác định nguồn gốc của vật thể".
Tiêm kích Mỹ hôm 4/2 bắn hạ một khí cầu Trung Quốc ngoài khơi bờ biển Nam Carolina.
Khí cầu được nhìn thấy đi vào không phận Mỹ ngày 28/1 trước khi di chuyển sang Canada vào ngày 30/1. Sau đó, nó trở lại không phận Mỹ vào ngày 31/1. Các quan chức Mỹ ngày 2/2 công bố về sự hiện diện của khí cầu này.
Sự việc làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gọi quyết định bắn hạ khí cầu là "hành động có chủ ý và hợp pháp" nhằm đáp trả "vi phạm không thể chấp nhận" của Trung Quốc với chủ quyền Mỹ.
Lầu Năm Góc cho biết hôm 3/2 rằng một khinh khí cầu do thám khác của Trung Quốc đã được nhìn thấy trên bầu trời Mỹ Latinh song không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Chưa có quốc gia Mỹ Latinh nào khác báo cáo về việc phát hiện ra khí cầu này, trong khi Venezuela ngày 5/2 chỉ trích "cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào một thiết bị không người lái dân sự có nguồn gốc từ Trung Quốc".
"Mỹ một lần nữa sử dụng vũ lực thay vì xử lý tình huống với mức độ nghiêm trọng và trách nhiệm mà nó nên được nhận", Caracas tuyên bố.
Trung Quốc giải thích đây là khí cầu dân sự phục vụ nghiên cứu khí tượng đã bay lạc trong tình huống "bất khả kháng". Bắc Kinh cáo buộc chính trị gia, truyền thông Mỹ "lợi dụng vụ khí cầu bay lạc để làm mất uy tín" Trung Quốc.
Vũ Hoàng (Theo AFP)