Dù đã chết từ lâu, trùm ma túy khét tiếng Pablo Escobar vẫn đang gây rắc rối cho Colombia với đàn hà mã của mình. Năm 1981, Escobar nhập khẩu bất hợp pháp một con hà mã đực và ba con cái (Hippopotamus amphibius) từ vườn thú ở Mỹ và đưa chúng đến trang trại riêng ở Hacienda Nápoles. Sau khi Escobar chết vào năm 1993, đàn hà mã gần như bị bỏ mặc, tự sinh sản và phân tán ra các khu vực xung quanh, tạo nên một quần thể khỏe mạnh dọc theo sông Magdalena.
Theo nghiên cứu mới của Bộ Môi trường và Phát triển bền vững Colombia, phối hợp với các nhà khoa học từ Mỹ và địa phương, số lượng hà mã hiện nhiều gấp đôi so với dự đoán ban đầu, có khả năng lên tới 215 con, New Atlas hôm 5/6 đưa tin.
Năm 2020, người ta ước tính số lượng hà mã là 98. Nhưng giờ đây, các nhà khoa học cảnh báo, con số này có thể lên tới 1.500 con vào năm 2035, một phần do chúng sống trong điều kiện tương đối an toàn nhờ lệnh cấm săn bắn và thiếu kẻ thù tự nhiên. Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy, khoảng 37% cá thể là con non, nghĩa là chúng có thể đang sinh sản sớm và thường xuyên hơn. Hà mã vốn có khả năng sinh sản trong phần lớn thời gian sống, khoảng 40 - 50 năm.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Colombia, Viện Humboldt và Cornare - cơ quan môi trường quản lý khu vực hà mã sinh sống - đã nỗ lực đếm chúng. Loài vật này không chỉ nguy hiểm khi tiếp cận mà còn sống về đêm, di chuyển những quãng đường dài và dành tới 16 tiếng ngâm mình trong nước. Do đó, việc đếm số lượng cá thể vô cùng khó khăn.
Sự bùng nổ số lượng cho thấy khả năng thích nghi cực tốt của đàn hà mã, bất chấp vốn gene hạn chế. Tuy nhiên, chúng tác động rất lớn đến môi trường tự nhiên, ăn tới 50 kg thực vật mỗi ngày. Chúng cũng đang đe dọa các loài bản địa. Ví dụ, lợn biển Tây Ấn Độ (Trichechus manatus), rái cá Mỹ Latin (Lontra longicaudis) và chuột lang nước (Hydrochoerus hydrochaeris) phải chật vật tranh giành thức ăn với hà mã. Các bờ sông cũng đang bị xói mòn nghiêm trọng khi những con hà mã, có thể nặng tới 3,5 tấn, lang thang dưới nước hoặc trên bờ. Nước sông cũng chịu ảnh hưởng từ lượng lớn chất thải của chúng.
Giải pháp triệt sản hà mã được tiến hành vào năm 2011, nhưng mới chỉ triệt sản 10 con đực do các vấn đề liên quan đến chi phí và logistics. Từ năm 2021, có thêm 24 con được tiêm vaccine GonaCon, một loại vaccine kiểm soát sinh sản, thông qua phi tiêu.
Việc tiêu diệt hà mã cũng đang gây tranh cãi. "Có một gánh nặng đạo đức với quyết định giết chết hà mã. Nhưng gánh nặng của một quyết định khác - không hành động - còn lớn hơn nhiều", nhà sinh thái học Rafael Moreno nhận định.
Thu Thảo (Theo New Atlas)